Hội nghị Thành phố học tập khu vực ASEAN+3 đang diễn ra tại Bangkok, Thái Lan là bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy nỗ lực hợp tác giữa các thành phố đang định hình chương trình nghị sự toàn cầu. Thành phố Sơn La đại diện cho các thành phố học tập của Việt Nam đã tham gia và có bài chia sẻ tại Hội nghị này.
Đại diện thành phố Sơn La nhận hoa từ Ban tổ chức trong Lễ trao biểu tượng ghi nhận các thành viên mới của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO. |
Mục tiêu của Hội nghị Thành phố học tập khu vực ASEAN+3 nhằm tăng cường năng lực của các thành phố thông qua chia sẻ tri thức giữa các thành phố học tập UNESCO thuộc khu vực Đông Nam Á và các nước cộng 3; đồng thời xác định và phổ biến các thực tiễn trong chính sách của chính quyền quốc gia và địa phương về thúc đẩy các thành phố học tập và các sáng kiến đổi mới ở cấp thành phố. Hội nghị cũng hướng tới mục tiêu thiết lập một nền tảng bền vững cho đối thoại liên tục và các mối quan hệ đối tác giữa các thành phố học tập UNESCO và các thành phố khác.
Các đại biểu của thành phố Sơn La tham dự Hội nghị. |
Hội nghị quy tụ hơn 200 đại biểu từ khu vực Đông Nam Á, cũng như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đại diện cho các thành phố học tập toàn cầu của Việt Nam tham gia Hội nghị, đoàn đại biểu cấp cao thành phố Sơn La dẫn đầu là đồng chí Hà Trung Chiến – Bí thư thành uỷ thành phố Sơn La, Trưởng ban chỉ đạo thành phố học tập toàn cầu Sơn La đã có phần chia sẻ rất thuyết phục về chủ đề xây dựng thành phố học tập để không ai bị bỏ lại phía sau. Phần thuyết trình và trao đổi của ông Hà Trung Chiến trong phiên thảo luận song song ngày 29/10 nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.
Ông Hà Trung Chiến, Bí thư thành uỷ thành phố Sơn La, Trưởng ban chỉ đạo Thành phố học tập toàn cầu Sơn La trình bày tại phiên thảo luận song song. |
Theo ông Hà Trung Chiến, tháng 2/2024, thành phố Sơn La vinh dự trở thành thành phố thứ 5 của cả nước và là thành phố khu vực miền núi khó khăn đầu tiên của cả nước được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu.
Các đại biểu tham dự ấn tượng khi được biết tuy còn đối mặt với nhiều thách thức, thành phố Sơn La dành 34% tổng ngân sách dành cho giáo dục bao gồm xây dựng xã hội học tập. Đây là một con số nói lên tầm nhìn và cam kết của thành phố lấy ưu tiên hàng đầu cho đầu tư giáo dục làm nền tảng phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội và thay đổi đời sống của người dân.
Từ khi gia nhập Mạng lưới, thành phố Sơn La có nhiều sáng kiến mang tính tiên phong và đột phá nhằm xây dựng thành công mô hình thành phố học tập theo đúng các tiêu chí của UNESCO. Sơn La là thành phố đầu tiên của Việt Nam đưa ra sáng kiến tổ chức Cuộc thi “Sơn La – Thành phố học tập toàn cầu tôi yêu” tháng 9/2024, với gần 300 sản phẩm dự thi, bao gồm: Mỹ thuật, ca khúc, thơ và giải pháp phát triển thành phố học tập, gắn với bảo vệ môi trường, chống biển đổi khí hậu.
Thành phố Sơn La chia sẻ về những nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, tiên phong trong việc triển khai phương pháp Laulau Learning. |
Thành phố tích cực thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Tháng 10/2024, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm phương pháp giáo dục thông qua nghệ thuật và âm nhạc Lau Lau Learning từ Phần Lan và trở thành thành phố đầu tiên tại Việt Nam triển khai phương pháp giáo dục tiên tiến này.
Một điểm nổi bật nữa đó là thành phố đã triển khai xây dựng các không gian học tập đa dạng và thuận tiện cho người dân, với mô hình “ngôi nhà trí tuệ” và “thư viên nhân ái”. Hiện nay đã có 112 “Ngôi nhà trí tuệ” và “Thư viện nhân ái” tại các tổ bản của thành phố.
Các mô hình này được phát triển trên cơ sở nhà văn hóa của các tổ, bản. Đây không chỉ là thư viện đơn thuần, mà còn là nơi để nhân dân có thể đến để sinh hoạt văn hóa, thể thao, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực đời sống, giúp đỡ nhau xây dựng 1 cộng đồng phát triển bền vững.
Thành phố Sơn La chia sẻ về việc xây dựng thành công các mô hình học tập cộng đồng hiệu quả như Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái. |
Thành phố Sơn La cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của thành phố, thu hút họ tham gia vào các hoạt động văn hóa gắn với việc học tập nâng cao sự hiểu biết của người dân tộc thiểu số. Trong năm 2024, Thành phố đã thành lập 35 câu lạc bộ văn hóa Thái để giữ gìn tiếng nói, truyền dạy chữ viết của các dân tộc thiểu số, phục dựng và duy trì các lễ hội, trang phục truyền thống. Mô hình câu lạc bộ này cũng là nơi để người dân dân tộc thiểu số học tập, trao đổi kinh nghiệm để có cuộc sống tốt hơn.
Hội nghị Hội nghị Thành phố học tập khu vực ASEAN+3 sẽ diễn ra đến hết ngày 30 tháng 10 tại Bangkok với các phiên thảo luận sôi nổi và nhiều chương trình giao lưu, kết nối trao đổi văn hoá giáo dục. Hội đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần vào các nỗ lực chung giữa các thành phố đang thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu và trực tiếp góp phần củng cố các sáng kiến liên quan sắp tới trong năm nay như Hội nghị quốc tế về thành phố học tập toàn cầu lần thứ 6 được tổ chức tại các quốc gia Saudi Arabia.
Các đại biểu thành phố Sơn La giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng thành phố học tập với bạn bè quốc tế. |
Đại biểu thành phố Sơn La giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng thành phố học tập với bạn bè quốc tế. |
Tham gia Hội nghị là cơ hội vô giá để các thành phố trong khu vực học hỏi từ kinh nghiệm của các thành phố đồng cấp, từ đó cung cấp các hiểu biết về cách thúc đẩy tiến bộ trong việc xây dựng học tập suốt đời và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Chương trình nghị sự giáo dục 2030 – đặc biệt là SDG 4: Giáo dục chất lượng, và SDG 11: Các thành phố và cộng đồng bền vững. Đây cũng là cơ hội quý báu để thành phố Sơn La đại diện cho thành phố học tập toàn cầu của Việt Nam khẳng định vị thế và những giá trị mà các thành phố học tập toàn cầu của Việt Nam có thể đóng góp để thúc đẩy Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Toàn cảnh Hội nghị. |