Có vẻ đẹp của một thành phố cao nguyên mà chỉ thơ và âm nhạc mới nói lên hết được. Tôi cũng đã có dịp tới thăm nhiều thành phố, trong nước mình và ở nước người. Mỗi thành phố đều thể hiện một phong cách riêng, có một danh hiệu riêng, và đều chào đón khách phương xa theo đúng bản sắc của mình với những slogan riêng. Pleiku không ngoại lệ.
Nhưng vì sao, khi tới Pleiku, du khách có cảm giác lạ? Dường như, thành phố này “lạnh” bên ngoài, mà nóng ấm bên trong. Không vồ vập, không đưa ra những đặc trưng thu hút, nhưng Pleiku như cô gái nhà lành, nhu mì ít nói, cứ nhẹ nhàng đưa du khách đi từ ngạc nhiên này tới cảm tình khác. Đó là cung cách của một thành phố thân thiện.
Nếu nói tới thân thiện, người ta nghĩ ngay tới những lời chào mời vồn vã, những khoe sắc khoe danh ngay từ cửa ngõ thành phố, thì Pleiku không phải như vậy. Ngay từ ngã ba vào thành phố, ta có một cảm giác nơi này thư thái hơn cả du khách. Thành phố trôi lơ đãng như mây bay, như sương phủ, càng vào sâu trong lòng thành phố, càng có cảm giác núi trong lòng thành phố. Pleiku chính là nơi núi cư ngụ ngay trong lòng thành phố, mặc dù núi ở đây cũng không phô trương, núi chìm ẩn như chính thành phố của mình.
Nhớ năm 1977, lần đầu tiên tôi lên Pleiku. Đi cùng nhà văn Thái Bá Lợi, hai chúng tôi được cơ quan phân công đi thực tế ở một binh đoàn làm kinh tế ở địa bàn này.
Lên Pleiku, chúng tôi tấp vào ngôi nhà gỗ nhỏ bé nhưng khá đẹp của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Anh Đỉnh từng tham gia chiến đấu ở Gia Lai. Đó là địa bàn quá thân thuộc của anh. Anh nói được tiếng dân tộc, vì từng ở một đội du kích người Ba Na hoạt động độc lập, sau này anh viết câu chuyện thú vị ấy trong quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng của anh, tác phẩm Lạc rừng.
Vào nhà anh Đỉnh nhưng anh còn ở Đà Nẵng chưa lên, nhà giao cho “vợ chồng anh giáo Huế” là anh Lê Nhược Thủy và chị Huệ ở nhờ, vừa giải quyết chuyện vợ chồng này không có nhà ở, vừa nhờ họ trông nhà luôn. Ở nhà vợ chồng anh Thủy, nhưng tôi với Lợi cứ lang thang chơi trong thành phố.
Hồi đó, trung tâm Pleiku là một quán cà phê khá lớn, nơi tụ tập buổi sáng của “cư dân cà phê” thành phố núi này. Tên quán là Diệp Kính, có lẽ chủ quán người gốc Hoa. Hai chúng tôi uống cà phê, làm quen với những người bạn mới. Cư dân Pleiku rất hiền lành, dễ bắt chuyện, họ cũng giống thành phố của mình. Khi biết chúng tôi là dân văn nghệ, anh em cà phê rất vui. Họ mời hai chúng tôi buổi chiều ngồi lai rai với nhau, quán nhậu cũng ở gần Diệp Kính.
Tôi với Lợi nhận lời ngay. Buổi chiều, ngồi ở một quán nhậu trống gió, mới cảm nhận được thành phố này “quanh năm mùa đông”. Hơi lạnh, phải mặc thêm áo, nhưng không phải cái rét buốt của Hà Nội, thành phố Pleiku có cái lạnh thật dễ chịu. Có lẽ vì ở đây thiếu gió bấc.
Được lai rai với anh em giáo viên và văn nghệ sĩ Pleiku, nghe họ luôn nhắc tới một nhà thơ là bạn của chúng tôi, nhà thơ Vũ Hữu Định. Anh Định đã từng có thời gian trong chiến tranh ở Pleiku. Không ở lâu, nhưng viết được bài thơ còn lại tới bây giờ. Đó là bài Còn một chút gì để nhớ.
Pleiku nên cảm ơn Vũ Hữu Định, vì không phải thành phố nào trên đất nước này cũng nhận được một bài thơ hay, một bài thơ dễ thương đến thế, mà để đời đến thế như bài thơ nhỏ của Vũ Hữu Định.
Đúng là Pleiku phải bắt đầu từ “phố núi cao phố núi đầy sương/phố núi cây xanh trời thấp thật buồn“. Một vẻ gì mơ hồ, lặng lẽ, khiêm nhường, nhưng hàm chứa đủ nét đẹp tiềm ẩn cuốn hút khách phương xa.
“Anh khách lạ đi lên đi xuống/ may mà có em đời còn dễ thương“. Anh đi lên đi xuống chỉ vì có gì đó buộc anh không thể bỏ qua, không thể lơ đãng, dù chưa thể cắt nghĩa. Còn “em” ở đây chính là Pleiku đó, đúng như đoạn thơ sau này trong bài thơ: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/nên mắt em ướt và tóc em ướt/da em mềm như mây chiều trong“.
“Em” là thành phố, mà thành phố cũng là “em”, bài thơ vừa mờ sương vừa trong trẻo, như Pleiku buổi chiều và Pleiku tắm trong màu nắng sáng.
Với tôi, cùng với bài thơ Vũ Hữu Định, Pleiku chính là thành phố thơ ca. Không hẳn thành phố nào sản sinh nhiều thi sĩ thật nổi tiếng thì mới được gọi là thành phố thơ ca. Vẻ đẹp thơ ca luôn là vẻ đẹp chìm ẩn, mà Pleiku lại có đúng vẻ đẹp ấy.
Bài thơ Vũ Hữu Định đã in Pleiku vào trái tim, vào trí nhớ bao người. Nhất là khi bài thơ ấy được nhạc sĩ tài danh Phạm Duy phổ nhạc. Phạm Duy đã giữ gần nguyên vẹn bài thơ, kể cả đầu đề, Vũ Hữu Định khi chơi thân với tôi đã nói, anh rất ưng ý với ca khúc này. Âm nhạc đã đưa thơ lên một khoảng trời khác, lặng lẽ như thơ, nhưng vi vút hơn thơ.
Vì Pleiku là thành phố “ít nói”, có lẽ là “ít nói” nhất trong những thành phố miền Trung – Việt Nam. Tiếng động do xe cộ gây ra là một chuyện, còn ít nói lại là chuyện khác. Không quá niềm nở, nhưng Pleiku đón du khách với một thoáng mừng vui nào đó, mà Vũ Hữu Định đã kịp nhận ra ngay: “Nên mắt em ướt và tóc em ướt/da em mềm như mây chiều trong”.
Đầy cảm xúc, phải không ạ?
Bây giờ trên thế giới đang có phong trào xây dựng những thành phố thông minh. Đó là điều cần thiết. Nhưng thế giới vẫn biết, như một định luật toán về sự bất toàn, còn những gì nữa bên ngoài sự thông minh. Và đó là tiền đề để những ý tưởng về “thành phố cảm xúc” ra đời.
Tôi nhớ bản nhạc Phạm Duy phổ bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định. Tôi nhớ những bức tranh của cố họa sĩ lão thành Nguyễn Thế Vinh vẽ những cô gái Banar Gia Lai đang giã gạo hay làm những việc lao động bình dị hàng ngày. Cả nhạc, thơ và hội họa về Pleiku-Gia Lai, những tác phẩm ấy đều tràn đầy cảm xúc.
Chỉ cần nhớ tới Pleiku, là trong ta lại bồi hồi. Đó là cảm xúc mà một thành phố trao cho con người. Nó như mùi hoa dại thơm thoảng dẫn dắt ta về những ảnh hình mơ hồ nhưng sâu thẳm. Nó như những cây thông cổ thụ-người chủ nhà giản dị mà thơm nồng hậu- khi đón khách tới thăm nhà mình. Những phố nhỏ ở Pleiku lại có những hàng cây thông cổ thụ.
Đó là niềm tự hào của thành phố cao nguyên này. Thành phố “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” cứ thầm thì nói với chúng ta về những xúc cảm nguồn, rằng chúng ta có cần nhiều lắm trong cuộc đời mình không? Tôi nghĩ, chỉ cần bấy nhiêu xúc cảm, bấy nhiêu ân tình ấy của Pleiku là đủ cho chúng ta sống một cách đầy nâng niu trân trọng với cuộc đời này.
Pleiku là thành phố, trung tâm chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh Gia Lai (phía bắc Tây nguyên), có diện tích tự nhiên hơn 26 ha; dân số khoảng 260.000 người, bao gồm 36 dân tộc đang sinh sống, trong đó người đồng bào khoảng 32.000 người, chiếm tỷ lệ 12,2%, phần lớn người đồng bào là dân tộc Jrai, Ba Na sinh sống tập trung.
Thành phố Pleiku có ưu thế về thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây lâm sản đa dạng.
Các tiềm năng về du lịch sinh thái từ cảnh quan thiên nhiên do đặc thù địa hình Tây nguyên mang lại như khu lâm viên Biển Hồ, làng văn hóa Plei Ốp; di tích lịch sử đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú, nhà lao Pleiku…
Thái Thanh (tổng hợp)
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/thanh-pho-o-viet-nam-pleiku-may-ma-co-em-doi-con-de-thuong-185240806173617492.htm