Cuối tháng 5 năm 1975, tôi may mắn được theo đoàn nhà văn miền Trung lên Đà Lạt.
Tới Đà Lạt lúc đã tối, chúng tôi vào ngủ nhờ một nhà dân chuyên trồng rau quê Quảng Ngãi. Gia đình rất vui, đón chúng tôi ngủ nghỉ tại nhà. Sáng hôm sau tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh bắt đầu dạo chơi thăm Đà Lạt.
Chưa bao giờ hai chúng tôi gặp một thành phố “Tây” đến thế và đẹp ngỡ ngàng như thế. Những ngôi nhà, từ biệt thự tới trường học, công sở hay nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng đúng phong cách kiến trúc phương tây. Những đường phố ở Đà Lạt phần nhiều đều nhỏ, lại lên dốc xuống dốc, nhưng hai bên đường là cả một rừng hoa.
Hai chúng tôi ngỡ như mình đang đắm chìm trong một truyện cổ tích phương tây nào đó, cứ đi chậm rãi vừa đi vừa ngắm hoa. Có những loại hoa chúng tôi chưa biết tên, cũng chưa biết hoa nào được trồng, còn hoa nào là hoa dại. Chỉ thấy hoa nào cũng đẹp. Đúng là một thành phố hoa.
Đà Lạt mới giải phóng, thành phố còn nguyên như cũ, không bị chiến tranh tàn phá. Với những người mới lần đầu lên Đà Lạt như chúng tôi, được nhìn ngắm thành phố hoa này là đủ thỏa nguyện.
Buổi tối, anh chị em sinh viên Đà Lạt đón chúng tôi bằng một “Đêm không ngủ” theo truyền thống sinh viên tranh đấu. Có hát, có đọc thơ rất sôi nổi. Vui tới mức, anh em sinh viên hô lên: “Chúng ta làm Đêm không ngủ đi!”.
Lần đầu, tôi mới biết thế nào là một Đêm không ngủ của sinh viên các đô thị miền Nam. Đà Lạt là thành phố có trường đại học rất lớn, gọi là Đại học Đà Lạt, tập trung rất đông sinh viên học theo nhiều khoa.
Lần đầu gặp thành phố hoa Đà Lạt chưa được hai ngày, nhưng tôi nghĩ, chắc mình còn có dịp lên thăm thành phố này lần nữa.
Đúng như thế. Năm 1987, gia đình tôi cùng nhà thơ Nguyễn Thụy Kha được lên Đà Lạt. Sau khi dự hội thảo về văn học thời đổi mới tại Nha Trang, nhà thơ Văn Công lúc đó làm phó chủ tịch tỉnh Phú Khánh cho xe chở chúng tôi lên Đà Lạt. Cụ thể là lên thăm nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa chuyển từ Đà Nẵng lên Lâm Đồng xây dựng Hội văn nghệ ở tỉnh cao nguyên này.
Chúng tôi lên Đà Lạt, ở nhà một người bạn là nhà thơ Hà Linh Chi, tục gọi là anh “Đệ đen”. Một anh chàng gốc Huế, vốn là phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam, rất nhiệt huyết với bạn bè. Chúng tôi ở nhà vợ chồng anh Đệ suốt một tuần, ngày nào cũng đi chơi khắp Đà Lạt, lần này thì Đà Lạt thật sự ngấm vào tôi.
Anh Bùi Minh Quốc, Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng, là chủ nhà đón chúng tôi. Nhưng hồi đó, Hội văn nghệ mới thành lập còn khó khăn lắm, chỉ được ngôi biệt thự tỉnh giao cho Hội văn nghệ làm trụ sở là to đẹp thôi. Suốt một tuần, những địa danh nổi tiếng của Đà Lạt, chúng tôi đều đặt chân tới. Địa danh nào cũng đẹp, cũng xứng đáng là những điểm du lịch.
Nhưng hồi đó, chưa hề có phong trào du lịch như bây giờ, nên khách du lịch thật hiếm. Chỉ là những chuyến đi tự phát của mấy nhóm nhỏ, khách sạn cũng có nhưng rất ít, trừ một khách sạn PALACE là lớn nhất, nhưng chúng tôi cũng chỉ đứng từ ngoài nhìn vô, đâu có tiền mà đòi ở khách sạn xịn nhất Đà Lạt.
Năm ấy, lên Đà Lạt, mới để ý tới những rừng thông. Nếu nói Đà Lạt là thành phố hoa là đúng nhưng chưa đủ. Phải thêm, đó là thành phố của những đồi thông, những con phố nhỏ hai bên là thông cổ thụ mọc ngay ngắn. Mùi gỗ thông cũng thơm không kém mùi hoa.
Đà Lạt là thành phố của hoa và thông.
Nhưng hồi đó, thông cổ thụ đã bị người ta lén lút hay công khai đốn chặt. Nhìn những cây thông bị hạ ngã đổ, tôi thấy quá xót ruột. Bèn làm một bài thơ nhan đề Những cây thông kêu, cũng là mượn thơ cho những cây thông kêu cứu. Không thể tưởng tượng Đà Lạt lại thiếu hoa hay thiếu thông. Hoa và thông làm nên vẻ đẹp đặc thù của thành phố này. Cho tới bây giờ, hoa đã sống rất ổn, nhưng thông thì chưa…
Ngay cả một vùng đồi thông gần hồ Xuân Hương ở giữa trái tim Đà Lạt cũng có số phận còn long đong, thì những đồi thông, rừng thông nằm ở những nơi khuất nẻo hơn sẽ thế nào? Hồ Than Thở chắc sẽ còn ‘than thở’ dài dài, vì những cây thông xinh đẹp sẽ mất đi.
Không chỉ mất cây xanh dẫn tới ô nhiễm môi trường, mà nếu Đà Lạt mất những đồi thông, rừng thông thì sự mất mát sẽ là quá lớn.
Là một người rất ít khi có dịp lên Đà Lạt, nhưng tôi yêu thành phố hoa và thông này, nên xin vì những cây thông mà tiếp tục lên tiếng, sau bài thơ Những cây thông kêu viết từ năm 1987, ngót 40 năm rồi.
Bao giờ thông được bảo vệ như những báu vật, thì Đà Lạt mới thực sự là “thành phố đáng sống” của loài cây tuyệt vời này.
Đà Lạt là một thành phố trực thuộc tỉnh và tỉnh lỵ của Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên hơn 393 km².
Thành phố Đà Lạt có 12 phường và 3 xã vùng ven, dân số thành thị là 142.776 người, chiếm 89%, nông thôn có 17.887 người, chiếm 11%.
Thành phố Đà Lạt là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng. Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Đà Lạt được mệnh danh là: thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân, thành phố sương mù.
Thái Thanh (tổng hợp) – Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/thanh-pho-o-viet-nam-chua-bao-gio-gap-da-lat-tay-den-the-185240806225802346.htm