Thành phố ngủ gật mang thế giới quan của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk
Trước khi được khởi chiếu tại quê nhà, bộ phim đã chu du tại các LHP châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á. Phim được đề cử Grand Prix cho phim truyện xuất sắc nhất tại LHP Tallinn Blacknights lần thứ 25; được lựa chọn vào hạng mục Soul of Asia tại LHP quốc tế Goa của Ấn Độ – International Film Festival of India (IFFI) lần thứ 50; được nằm trong hạng mục Panorama – LHP FNC Duneuvu, Canada lần thứ 49 và đề cử giải Netpac Award tại LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ) lần thứ 26.
Ở bất cứ LHP nào, bộ phim cũng để lại ấn tượng tốt về điện ảnh Việt trong mắt ban giám khảo và khán giả. Giovanna Fulvi – Programmer của LHP danh giá Toronto (TIFF) đã dành một sự yêu mến cho bộ phim: “Nguyên bản, đôi khi khá khó chịu nhưng luôn hấp dẫn… từng khung hình được bố cục đẹp mắt đến cách kể chuyện bằng hình ảnh mạnh mẽ và những khung hình ngắm nhìn toàn cảnh thành phố nổi bật – không gian giữa sự tàn khốc đẫm máu của những cuộc tàn sát”.
“Đây là một bộ phim “đen tối’ ngoạn mục, nó thách thức và phá vỡ các quy ước. Nó không giống như bất cứ điều gì khác mà bạn đã thấy trước đây. Sự sáng tạo trong phim hoàn toàn có thể chạm đến được”, nhận xét của Victor Fraga, cây viết của tờ báo DMovies, Anh.
Với bộ phim chứa đầy sự đen tối, cách kể chuyện chậm rãi nhưng vẫn cuốn hút và trêu ngươi, thậm chí đạo diễn của bộ phim – Lương Đình Dũng – còn khiến nhiều nhà chuyên môn liên tưởng tới Kim Ki Duk – một trong những đạo diễn quái kiệt của điện ảnh Hàn Quốc.
Thành phố ngủ gật là tác phẩm mang theo sự tương đồng đối với các tác phẩm, thậm chí có thể là thế giới quan của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk (The Isle Tiểu Đảo, Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân,…), nhưng nó cũng là một bộ phim nguyên bản của chính mình”, là một trong những nhận định của Anton Bitel, tờ EyeForFilm, Anh.
Không chỉ có vậy, tác phẩm điện ảnh độc lạ của Việt Nam này còn gây ngạc nhiên với chính người trong nghề – đạo diễn gạo cội Mike Newell – đạo diễn của Harry Potter và Chiếc cốc lửa và Bốn đám cưới và một đám tang. Đối với Mike, đây là bộ phim tội phạm chính kịch tuyệt vời của Việt Nam, một sự can đảm tới không ngờ.
Có lẽ Mike cảm thấy bộ phim là sự can đảm tới nỗi không thể tin được bởi đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên mang quốc tịch Việt Nam dám làm và đào sâu vào một thể loại vô cùng khó nhằn – tội phạm, đen tối.
Bộ phim chắc chắn đã rất thành công trong việc tạo nên cảm giác ngột ngạt, khó thở, có đôi lúc rất tù túng bằng phần hình ảnh và âm nhạc vô cùng ấn tượng.
Nghệ thuật “Show don’t tell” (kể chuyện bằng hình ảnh, hạn chế nói thoại), các góc quay và bối cảnh được đạo diễn vận dụng hết sức để “khóa chặt” người xem trong không gian chật hẹp, tối tăm, cảm giác như càng vùng vẫy càng khó thoát ra.
Và đó cũng chính xác là những gì nhân vật trong phim phải trải qua. Không chỉ nam chính mà cả khán giả dường như cũng “phát điên” và muốn được giải tỏa sự khó chịu, ức chế trong người.
Đạo diễn Mike Newell của Harry Potter và Chiếc cốc lửa
Nghệ thuật “Show don’t tell” kể chuyện bằng hình ảnh, hạn chế thoại. Các góc quay và bối cảnh được “khóa chặt” người xem trong không gian chật hẹp, tối tăm. Càng vùng vẫy càng khó thoát ra. Đó cũng chính là những gì nhân vật phải trải qua trong phim, khiến nhân vật cũng như khán giả có cảm giác bức bối, phát điên.
Đối với khán giả nước ngoài, họ cho rằng: Thành phố ngủ gật cũng là một tựa phim nghệ thuật để lại nhiều ấn tượng với hình ảnh nhân vật chính khiến họ nhớ tới Joker – một kẻ ác hóa điển hình trong điện ảnh – nhưng là một phiên bản im lặng hơn.
Sau khi ra rạp tại Việt Nam, không khó để tìm thấy những phân tích, cảm nhận, thậm chí trái chiều nhau khi nói về Thành phố ngủ gật. Có người thích cái cách phim ẩn dụ, chơi đùa với hình ảnh, cách đạo diễn chơi đùa cùng cảm xúc nhân vật nhưng có người lại thấy phim…đơn giản quá và không hiểu những hình ảnh ấy là như thế nào.
1.000 người xem lại có 1.000 cách hiểu khác nhau, thực giống như cách mà đạo diễn lừng danh Hollywood Quentin Tarantino từng chia sẻ: “Nếu một triệu người xem bộ phim của tôi, tôi hy vọng họ sẽ thấy một triệu bộ phim khác nhau”.
Bằng nghệ thuật “Show don’t tell” tài tình, những hình ảnh, chi tiết ẩn dụ và ý đồ (gà, cơn mưa, máu,…), bộ phim thật khó để mọi người cùng hiểu theo một ý nghĩa. Mỗi người xem, với trải nghiệm sống khác nhau sẽ hiểu phim và cắt nghĩa theo một cách khác nhau.
Tranh cãi, mổ xẻ các chi tiết của bộ phim
Trên một diễn đàn phim gần 200 nghìn thành viên, khán giả Thắng Phạm đã đưa ra quan điểm về đoạn cuối phim: Nhân vật chính thực chất cũng chỉ là một con gà và hắn ta coi mọi người xung quanh cũng như gà nên hắn mới chọn cách xử lý đầy tàn bạo và dị như vậy với những tên côn đồ.
Trong khi đó, một khán giả có tài khoản tên Bùi Anh Quốc lại giải thích nửa sau phim theo hướng khác: Việc nhân vật chính biến ba tên côn đồ thành gà và bắt chúng nhảy múa thực chất có thể coi là sự trả thù theo chính xác những gì chúng đã làm với anh ta – đoạn phim này như một lời tuyên bố thay đổi vị thế.
Ban đầu lũ côn đồ là kẻ thống trị, chúng coi nhân vật chính như trò chơi tiêu khiển và bao cát để bắt nạt, bắt cậu ta “cục tác” như một con gà, đớp thức ăn,… phần sau khi vị thế đã thay đổi, nhân vật chính trở lại với vị trí đúng của cậu ta – là người mổ gà – chỉ có điều lúc này, những con gà là ba tên côn đồ kia.
Và chính những khán giả này cũng thừa nhận họ khó có thể tìm được một lời giải thích thỏa đáng và phân định chuyện ai đúng ai sai ở đây.
Không chỉ có chi tiết được coi là “cú twist” của phim được bàn luận xôn xao mà những góc máy topshot của thành phố chiếu thẳng vào khu nhà hoang nơi nhân vật chính sống cũng đủ để “mỗi người một ý”.
Với góc máy này, cây viết Anton Bitel của tờ EyeForFilm (Anh) cho rằng góc máy này như góc nhìn của các vị thần từ đó gợi mở ra những ý nghĩa ẩn dụ về tôn giáo hoặc tâm linh cho một câu chuyện với những chi tiết không ai có thể lường trước được.
Thế nhưng khán giả Thắng Phạm lại cảm thấy những cảnh quay đó khá lạnh lùng và vô hồn, khi chuyển cách nghĩ khác thì lại thấy góc topshot này không khác gì ánh mắt con người đang nhìn xuống tổ kiến hay chuồng gà, tất cả đống đang di chuyển bên dưới đều là động vật.
Có thể nói rằng, các ý kiến tranh cãi xoay quanh nội dung và ý đồ phim là điều nên có và cần phải có khi bàn luận về bộ phim này bởi mỗi khán giả đều có tư cách thưởng thức, trân trọng và hiểu bộ phim theo cách họ muốn.
Thành phố ngủ gật được chào đón và để lại nhiều phản ứng tích cực từ thị trường điện ảnh quốc tế, nhưng khi công chiếu tại quê nhà, bộ phim được gắn mác nghệ thuật này lại chưa thực sự có lợi thế.
Phim có để lại nhiều ý kiến trái chiều với khán giả, bàn luận về ý nghĩa ẩn dụ của phim, cội nguồn của cái ác, cắt nghĩa các chi tiết, sự độc đáo của chủ đề và cách thể hiện. Nhưng có một thực tế không thể chối bỏ là có nhiều khán giả chật vật, muốn xem phim nhưng suất chiếu tại rạp lại rất ít trong thời gian này.