Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thương trọng điểm, trung tâm du lịch lớn về số lượng khách và doanh thu. Do đó, phát triển sản phẩm du lịch-văn hóa độc đáo, quảng bá giá trị truyền thống của Việt Nam đến người dân và bạn bè quốc tế, thu hút du khách đến tham quan thành phố là vấn đề được chính quyền và ngành du lịch phát triển trong năm 2024.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết những năm gần đây, định vị điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ thế giới ngày càng được nâng cao, trở nên hấp dẫn, thân thiện và an toàn với du khách khi liên tục được vinh danh tại nhiều giải thưởng danh giá.
Thành phố cũng được các chuyên trang du lịch uy tín trên thế giới đánh giá cao với nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn, đặc trưng; trong đó, sự kiện Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trong chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu.
Lễ hội đã được đưa vào Đề án “Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu Thành phố giai đoạn từ năm 2020-2030,” là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh điểm đến tới cộng đồng du khách quốc tế.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, nhằm đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển và tiếp tục duy trì, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch Tổ chức Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10 năm 2024, với chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam,” diễn từ ngày 7-17/3.
Năm nay, Lễ hội sẽ truyền tải hình ảnh văn hóa, du lịch thành phố nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng đến người dân trong nước và khách du lịch quốc tế thông qua chuỗi hoạt động truyền thông, kích cầu du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan.
Cụ thể, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài phong phú, nổi bật được chế tác công phu, tài hoa từ bàn tay khéo léo và sáng tạo của nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, không chỉ mang đậm niềm tự hào dân tộc mà còn góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Hay tiết mục biểu diễn trang phục áo dài “Nét đẹp áo dài Việt” do các nữ Tổng lãnh sự và phu nhân các Tổng lãnh sự trình diễn, vừa là điểm nhấn thắt chặt tình hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia, vừa lan tỏa nét đẹp áo dài đến bạn bè quốc tế.
Dịp này, ngành du lịch Thành phố cũng tri ân những đóng góp nhiệt tình và tích cực của đội ngũ nghệ nhân, đại sứ, nhà thiết kế, thợ may áo dài tiêu biểu gắn bó với Lễ hội Áo dài Thành Phố Hồ Chí Minh trong hành trình 10 năm đồng hành và phát triển.
Để định hướng thẩm mỹ và sử dụng áo dài trong đời sống hàng ngày của người dân thành phố thông qua thiết kế sáng tạo, mang tính nghệ thuật nhưng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị truyền thống của chiếc áo dài Việt Nam, ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ thêm, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Áo dài-Sắc màu Thành Phố Hồ Chí Minh” tập trung giới thiệu nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhất là hình thành xu hướng thời trang của giới trẻ.
Trong khi đó, cuộc thi “Duyên dáng áo dài Thành phố Hồ Chí Minh” sẽ là sân chơi văn hóa lành mạnh cho tập thể, đơn vị trường học, gia đình, doanh nghiệp…
Ngoài ra, mạng lưới địa điểm du lịch trên địa bàn thành phố với những cụm trưng bày, triển lãm thông tin về lịch sử phát triển của chiếc áo dài qua nhiều thời kỳ, hành trình 10 năm phát triển của Lễ hội, khu vực giới thiệu sản phẩm gắn với áo dài như vải vóc, tơ lụa, phụ kiện…
Ghi nhận ý kiến, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, người dân và du khách đánh giá, nhìn lại điểm nhấn 10 năm Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nâng tầm giá trị văn hóa truyền thống như vào năm 2014, lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 10) với bốn hoạt động chính, thì đến năm 2017 có sự đột phá vượt trội về quy mô và chất lượng khi được tổ chức tại trung tâm thành phố với chuỗi 11 hoạt động.
Sau thời gian tổ chức tại một số địa điểm như Nhà Văn hóa Thanh niên, Bảo tàng Lịch sử…, đến nay Lễ hội đã được tổ chức định kỳ thường niên vào mỗi đầu tháng 3 hằng năm tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ.
Lễ hội luôn đảm bảo tính kế thừa, phát huy những kết quả đạt được qua từng năm và tăng cường tính tương tác cao trong cộng đồng.
Sự hưởng ứng Lễ hội Áo dài được duy trì lan tỏa và áo dài đã dần trở thành trang phục quen thuộc của người dân Thành phố Hồ Chí Minh từ sinh hoạt đời thường cho đến nét đẹp tại công sở và những sự kiện trọng đại./.