Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, UBND Thành phố Hạ Long đã làm việc với Đoàn tư vấn xây dựng, lập hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Dự Hội nghị tham vấn về thành phố học tập toàn cầu ngày 13/8 có đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long và các chuyên gia độc lập.
Đoàn công tác làm việc với Lãnh đạo TP. Hạ Long. (Ảnh: Trần Đức Quyết) |
Với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá – xã hội của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long là một trong hai thành phố trực thuộc được UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để tham gia đánh giá, khảo sát, chuẩn bị cho Lộ trình tham gia mạng lưới Thành phố học tập của UNESCO.
Thành phố Hạ Long có Vịnh Hạ Long được UNESCO tôn vinh là di sản thiên nhiên thế giới, xác nhận những giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu về mặt thẩm mỹ, địa chất, địa mạo. Thành phố uôn dẫn đầu tỉnh về các thành tích trong giáo dục chính quy cũng như các thành tựu trong xây dựng xã hội học tập, vì vậy hội tụ nhiều điều kiện để trở thành một thành phố học tập toàn cầu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại Hội nghị tham vấn thành phố học tập. (Ảnh: Trần Đức Quyết) |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: Việc tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giúp cho người dân Hạ Long có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới; đồng thời, nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững. Nhận thức rõ những lợi ích trên, Hạ Long quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố học tập toàn cầu trong thời gian gần nhất.
Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình gia nhập thành phố học tập của UNESCO vào năm 2025, UBND thành phố Hạ Long cũng bám sát Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của UNESCO về việc đăng ký tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Qua rà soát, tổng hợp, đến nay thành phố đã đạt 50/57 chỉ số. Giai đoạn tới, TP. Hạ Long đẩy mạnh triển khai các giải pháp đồng bộ, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện bộ chỉ số, tiêu chí chưa đạt.
Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát đánh giá các chỉ số đạt, chưa đạt và nhận diện những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đưa ra các giải pháp hoàn thiện các chỉ số chưa đạt trong triển khai xây dựng thành phố Hạ Long trở thành “Thành phố học tập” toàn cầu của UNESCO; tham vấn về quy trình và hồ sơ đăng ký tham gia thành phố học tập toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị tham vấn thành phố học tập. (Ảnh: Trần Đức Quyết) |
Khuyến nghị TP. Hạ Long cần chuẩn bị chu đáo việc lập hồ sơ đăng ký tham gia bám sát các tiêu chí mà UNESCO đã đề ra, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ giáo dục và Đào tạo cho rằng, thành phố cần chú trọng đến việc phát huy những lợi thế sẵn có và làm nổi bật được những điểm nhấn đặc trưng, khác biệt so với các địa phương khác.
Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội nghị tham vấn Thành phố học tập. (Ảnh: Trần Đức Quyết) |
Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết: “Qua chuyến đi khảo sát và xem xét hồ sơ, chúng tôi nhận thấy TP. Hạ Long đã có rất nhiều nỗ lực từ chủ trương cho đến xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để tham gia vào mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu”.
Tuy nhiên, thành phố học tập toàn cầu là danh hiệu ngày càng danh giá và việc xét duyệt cũng được tiến hành khắt khe hơn. Do đó, theo ông, ngoài việc hoàn thiện các tiêu chí, chỉ số bắt buộc thì TP. Hạ Long cần tìm ra điểm nhấn để tôn vinh, tìm những tiêu chí trọng điểm mà UNESCO đưa ra, cho thấy thành phố đang có những ưu tiên hàng đầu cho giáo dục.
Bà Tống Liên Anh, Phó Viện trưởng Viện học tập suốt đời phát biểu tại Hội nghị tham vấn thành phố học tập. (Ảnh: Trần Đức Quyết) |
Chuyên gia Tống Liên Anh, Phó Viện trưởng Viện học tập suốt đời, khẳng định: “Qua chuyến khảo sát tại Bảo tàng và Thư viện tỉnh, tôi nhận thấy thành phố mới đầu tư tốt cho “lớp vỏ”, còn về nội dung vẫn cần nhiều điều suy ngẫm. Lấy ví dụ như Thư viện tỉnh, các bạn mới tập trung vào sách giấy còn số hóa trong khi kỷ nguyên công nghệ 4.0 đã mở ra một thời đại mà ở đó sách và tài liệu giấy không còn ở vị trí độc tôn. Để tạo ra những công dân số trong nền kinh tế tri thức thì cần phát triển thư viện số và có kết nối đến hệ thống thư viện quốc gia và quốc tế”.
Việc đa dạng nhóm người đọc, người yếu thế (khiếm thính, khiếm thị…) cũng chưa được quan tâm, chưa có không gian riêng cho những người có nhu cầu nghiên cứu. Hay như một trong những yếu tố mà UNESCO rất quan tâm đó là giá trị văn hóa phi vật thể, theo chuyên gia, Hạ Long cần quan tâm đến văn hóa biển, một nét đặc trưng thế mạnh riêng có của địa phương. Quan trọng nhất là thành phố phải làm rõ được những cam kết trong việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng thành phố học tập. “Để nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ với thành phố để có thể sớm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra”, bà Tống Liên Anh nói.
Đoàn công tác khảo sát tại Thư viện và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Trần Đức Quyết) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/thanh-pho-ha-long-chuan-bi-cho-lo-trinh-gia-nhap-mang-luoi-thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-cua-unesco-283097.html