Hà Nội thường được nhắc đến là thành phố bình yên với bề dày văn hoá. Ngày nay, Hà Nội vẫn giữ được nét thân thuộc với những con phố cổ vừa nhộn nhịp lại đan xen vẻ tĩnh lặng vốn có, nhưng trong con mắt của những người đang dõi theo thì Hà Nội đang chuyển mình một cách ngoạn mục.
Trong vòng chưa đến một thập kỷ, nhiều toà nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, các khu dân cư mới hiện đại hình thành, thêm các đại lộ và đường trên cao, tuyến đường sắt nội đô, các cây cầu mới bắc qua sông Hồng… Đã có thêm một bức tranh Hà Nội là đô thị mới năng động, vươn mình hướng tới một thủ đô văn minh, hiện đại.
Nếu dành chút thời gian quan sát, bạn sẽ thấy nơi đây có cuộc sống diễn ra không ngừng từ sáng sớm tới đêm khuya. Dưới góc độ nhiếp ảnh kiến trúc và phong cảnh, tôi thích nhìn Hà Nội ở góc độ sôi động của cuộc sống hiện đại, nơi có thể quan sát và cảm nhận mạnh mẽ về một thành phố đầy màu sắc và ánh sáng. Hai yếu tố quan trọng nhất đáp ứng cho việc này là việc lựa chọn thời gian và vị trí quan sát.
Thời gian tốt nhất diễn ra từ “giờ vàng” – một khái niệm về quãng thời gian ngay sau khi mặt trời lặn, bầu trời xuất hiện nhiều gam màu đỏ và vàng, cho đến “giờ xanh” – khi bầu trời chuyển sang màu xanh dương nhạt, có thể nhận ra ngay bằng mắt thường cũng như thông qua thiết bị chụp ảnh.
Ở những vị trí cao, có thể quan sát được thời khắc mặt trời dần biến mất khỏi đường chân trời, đó cũng là thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, đánh dấu bằng bức tranh giao thoa giữa sắc màu ấm áp của những tia nắng cuối ngày với màu xanh da trời và những ánh đèn lung linh của thành phố. Ánh sáng đèn điện phát ra từ từng con phố, ngả đường, các biển hiệu, cửa hàng, trung tâm thương mại sầm uất và từ cửa sổ của các văn phòng làm việc muộn trong các toà nhà cao tầng sừng sững trong đêm. Dù nhìn từ xa nhưng vẫn có thể hình dung được khung cảnh sôi động của dòng xe cộ giờ tan tầm cũng như nhịp điệu cuộc sống có phần hối hả thời điểm này. Bầu trời dù đang tối dần, nhưng vẫn đủ độ sáng để soi tỏ dòng người đang ngược xuôi trên đường, màu xanh của các tán cây, hay dáng cong cong của người tập thể dục trong công viên. Bởi vậy, có thể nói đây là thời điểm tốt nhất trong ngày để dừng lại một chút và ngắm dạo một Hà Nội vừa hiện đại vừa thân quen.
Chuyến tham quan bắt đầu từ quận Hoàn Kiếm – trung tâm của Hà Nội. Nơi đây lưu giữ nhiều nét đẹp cổ xưa với những con phố cổ kính cũng như nhiều di tích lịch sử, văn hoá. Quanh Hồ Gươm có nhiều quán cafe trên tầng thượng của các ngôi nhà và từ đây có thể thấy được sự tương phản giữa vẻ trầm tư của khu phố và nét hiện đại từ các toà nhà cao tầng xa xa phía tây thành phố, nổi bật trên nền trời đầy màu sắc khi mặt trời lặn.
Đi dưới bóng cây dọc theo đường Phan Đình Phùng về phía tây bắc là quận Ba Đình, với những con đường thênh thang rợp bóng cây xanh, đường Thanh Niên xanh mát chạy dọc giữa một bên là hồ Tây mênh mông và bên kìa là hồ Trúc Bạch xinh xắn, nên thơ. Từ vị trí rất cao, có thể thấy trước mắt là loạt dãy nhà cao tầng và nhiều khu đô thị mới thuộc quận Tây Hồ và Từ Liêm đang lung linh soi bóng trên mặt hồ rộng lớn. Xa xa là cầu Nhật Tân hiện đại như một điểm nhấn giữa bầu trời đêm, lung linh cả một vùng trời phía bắc.
Theo hướng tây nam, con đường Võ Chí Công rộng thênh thang sẽ dẫn tới đường Vành đai 2 rồi theo đường nối lên đường Vành đai 3, sẽ đi tới những quận có tốc độ phát triển hạ tầng và xây dựng ấn tượng đó là quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm.
Theo đường Vành đai 3 về hướng đông nam đến quận Thanh Xuân. Nơi đây cũng có tốc độ phát triển nhanh, nhất là ở tuyến đường Lê Văn Lương. Đường vành đai 3 tiếp tục dẫn tới quận Hoàng Mai, nơi tầm mắt đủ rộng để ngắm nhìn toàn bộ thành phố phía tây trong một khuôn hình, từ những vệt sáng chuyển động không ngừng của nút giao Pháp Vân tới bán đảo Linh Đàm, và được tô điểm bằng những toà nhà cao thấp phía xa trong vai trò là hậu cảnh.
Đường Vành đai dẫn qua cầu Thanh Trì tới các khu vực cư dân mới thuộc huyện Gia Lâm. Từ đây, tiếp tục đi theo hướng tây bắc trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để về quận Long Biên, băng qua các trung tâm thương mại lớn cũng như khu dân cư rộng rãi được quy hoạch ngăn nắp khi nhìn từ trên cao, và về vị trí khởi hành sau khi đã đi qua cây cầu Long Biên mang tính biểu tượng cho văn hoá và lịch sử của Hà Nội.