Theo IQAir, thành phố đông dân thứ hai của Pakistan, với hơn 13 triệu dân, đã đóng cửa trường học, công viên công cộng, trung tâm thương mại và văn phòng sau khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong tuần này tăng vọt lên hơn 400.
Các nhà chức trách ở tỉnh Punjab của Pakistan đã áp đặt “tình trạng khẩn cấp về môi trường và sức khỏe” ở ba thành phố Gujranwala, Hafizabad và Lahore cho đến khi tình hình được cải thiện, theo Bộ trưởng Mohsin Naqvi cho biết trong tuần này. Ba thành phố cộng lại có hơn 15 triệu người.
Một tuyên bố từ văn phòng của ông Naqvi cho biết sẽ có sắc lệnh mới hạn chế di chuyển của người dân đến và đi từ các khu vực này bằng phương tiện giao thông công cộng và cá nhân. Chính quyền ông Naqvi cũng đã hạn chế việc tụ tập hơn 4 người tại một nơi.
Mức độ ô nhiễm tăng cao ở Pakistan xảy ra sau khi nước láng giềng Ấn Độ chứng kiến khói bụi bao phủ thủ đô New Delhi vào tuần trước, do nhiệt độ lạnh hơn khiến bụi và khói ô nhiễm từ xây dựng, khí thải giao thông và đốt rơm rạ được giữ lại trong không khí.
Tòa án Tối cao Ấn Độ tuần này đã ra lệnh cho chính quyền các bang xung quanh New Delhi ngăn chặn nông dân đốt cây trồng, đồng thời cấm sử dụng pháo trên toàn quốc trước lễ hội Diwali sắp diễn ra vào cuối tuần này.
Các thành phố lớn khác của Ấn Độ, bao gồm Kolkata và Mumbai, cũng được IQAir xếp hạng trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong tuần này, với mức độ ô nhiễm dao động giữa “nguy hiểm” và “không tốt cho sức khỏe”.
Dhaka, thủ đô của Bangladesh, nơi có dân số hơn 10 triệu người, cũng nằm trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất của IQAir, với AQI đạt 222 vào 10/11, được coi là “rất không lành mạnh”.
Các chỉ số này vượt xa giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới và cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng đối với các quốc gia Nam Á khi họ trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và bùng nổ dân số đang làm tăng mức độ ô nhiễm.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC), không khí xấu có thể làm giảm tuổi thọ của người dân Delhi tới 9 năm.
Hoàng Nam (theo Reuters)