Không ai có thể ngờ chiếc ba lô được sử dụng rộng rãi lại là nguyên nhân khiến chàng trai trẻ khỏe 26 tuổi bị nhồi máu não.
Một người đàn ông Trung Quốc 26 tuổi đi công tác nước
ngoài vài ngày trước khi trở lại sân bay Từ Châu ở tỉnh Giang Tô, anh mang theo
một chiếc ba lô nặng 15 kg.
Ngay lúc nhấc
chiếc ba lô lên, anh đột nhiên cảm thấy đau dữ dội ở cổ, chóng mặt. Gia đình
ngay lập tức đưa anh đến bệnh viện để chụp MRI.
Khi được đưa
đến bệnh viện, các bác sĩ tiến hành chụp MRI cho anh thì phát hiện tiểu não phải
và thân não của chàng trai bị nhồi máu, đồng thời cũng phát hiện bóc tách động
mạch đốt sống phải.
Các bác sĩ
giải thích: “Yếu tố ngoại lực, chẳng hạn như bệnh nhân trẻ tuổi này, anh ta đeo
một chiếc túi lớn trên vai, lực tác động lên vùng vai cổ lớn khiến nội mạc động
mạch đốt sống bị rách”.
Cụ thể, bệnh nhân bị nhồi máu não tuần hoàn sau do bóc tách động mạch đốt sống vì lực tác động
lên cổ quá lớn khi phải vác vật nặng trên vai.
Bất kỳ bệnh
cột sống cổ nào, chẳng hạn như tăng sản đĩa đệm cổ hoặc tăng sản xương, đều có
thể gây hẹp hoặc co thắt động mạch đốt sống, từ đó ảnh hưởng đến việc cung cấp
máu cho não và gây ra các triệu chứng tương ứng.
Theo thống
kê, có khoảng 30 đến 54% học sinh mang ba lô nặng hơn 15% trọng lượng cơ thể,
thậm chí có đến 1/3 số học sinh mang ba lô nặng hơn 30% trọng lượng cơ thể.
Khi trẻ dần
chuyển sang tuổi thiếu niên, tỷ lệ đau thắt lưng tăng dần từ dưới 10% lên gần
50%. Sự xuất hiện của những vấn đề này được cho là có mối tương quan cao với việc
sử dụng ba lô.
Nhiều nghiên
cứu khuyến cáo rằng trọng lượng của ba lô không nên vượt quá 10 đến 15% trọng
lượng cơ thể. Càng nhẹ càng tốt. Các bác sĩ khuyên nên tránh mang vác vật nặng
trong thời gian dài để giảm bớt gánh nặng cho cổ và vai.
Một nghiên cứu
tại Tây Ban Nha cũng chỉ ra, học sinh mang cặp sách nặng trong thời gian dài sẽ
tăng nguy cơ mắc các bệnh về cột sống. Những chiếc cặp quá nặng không chỉ gây
cong vẹo cột sống, gù, mà còn ảnh hưởng tới phát triển chiều cao của trẻ. Hơn nữa,
để nhẹ lưng, trẻ sẽ vô thức nghiêng đầu, cổ, lưng về phía trước, từ từ hình
thành tư thế gập người.
Đeo ba lô thế nào cho an toàn?
Luôn đeo cả
hai dây vai: Đeo cả hai bên dây vai giúp phân bố đều trọng lượng, tránh áp lực
dồn vào một bên cơ thể, giảm nguy cơ lệch cột sống.
Giữ lưng thẳng:
Ba lô cần nằm sát với phần lưng và ngang với phần giữa lưng (không được để quá
thấp dưới thắt lưng).
Đầu và vai
giữ thẳng: Khi đi bộ, cần giữ đầu thẳng và vai mở, không nên cúi gập người về
phía trước để bù đắp cho trọng lượng ba lô.
Cách sắp xếp đồ trong ba lô
Đặt vật nặng
sát lưng nhất: Những món đồ nặng (như sách giáo khoa) cần được đặt ở ngăn gần
lưng để giảm lực kéo ra phía sau.
Phân bổ đều
tải trọng: Đảm bảo các món đồ không bị lệch sang một bên, giúp cân bằng tải trọng.
Giảm đồ
không cần thiết: Chỉ mang theo những vật dụng cần thiết trong ngày để tránh
tăng trọng lượng.
Chọn ba lô phù hợp
Dây đeo vai
to bản và có đệm lót: Điều này giúp giảm áp lực lên vai.
Có dây thắt
ngang ngực và hông: Các dây này giúp phân phối trọng lượng từ vai xuống hông,
giảm gánh nặng cho lưng.
Ba lô có
ngăn chứa hợp lý: Giúp sắp xếp đồ đạc dễ dàng và tránh dồn tải trọng về một
phía.
T. Linh
Nguồn: https://giadinhonline.vn/thanh-nien-26-tuoi-bi-nhoi-mau-nao-nguyen-nhan-den-tu-chiec-ba-lo-d203969.html