SGGPO
Thành Nhà Hồ tọa lạc tại huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa), là một kiến trúc thành đá kỳ vĩ, độc đáo, có một không hai của khu vực Đông Á và Đông Nam Á cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Với những giá trị nổi bật và khác biệt, tháng 6-2011, UNESCO công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới.
Thành Nhà Hồ – Di sản văn hóa thế giới |
Công trình vĩ đại của Đông Á
Theo sử sách ghi lại, Thành Nhà Hồ được xây dựng chỉ trong 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng Ba) năm 1397.
Thành Nhà Hồ rộng 155,5ha, bao gồm Thành nội (rộng 142,2ha), La thành (9,0ha) và Đàn tế Nam Giao (4,3ha), nằm trong vùng đệm với diện tích 5.078,5ha. Thành được kiến thiết trong khu vực có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi (thuộc huyện Vĩnh Lộc).
Kiến trúc Thành Nhà Hồ được chia làm 2 vòng thành chính. Đó là La thành và Hoàng thành. Tường thành cao trung bình 8m, được cấu tạo bởi hai lớp: Lớp ngoài đá, bên trong là đất.
La thành là vòng thành ngoài bảo vệ toàn bộ kiến trúc và cư dân trong Kinh thành, được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào tháng 9-1399, dài khoảng 10km. La thành cách Hoàng thành khoảng 2-3km về các hướng.
Giới hạn từ khu vực tường thành đá vào trong là khu vực Hoàng thành. Đây là nơi sinh sống, làm việc của quan lại và hoàng tộc trong triều đình.
Con đường Hòe Nhai – đường Hoàng Gia nối từ Hoàng thành tới Đàn tế Nam Giao |
Khu vực Hoàng thành có bình đồ gần vuông, mặt chính quay về hướng Đông Nam, với mỗi bức tường có chiều dài gần 900m. Trong Hoàng thành có cung Nhân Thọ (nơi ở của Hồ Quý Ly), điện Hoàng Nguyên (nơi Vua thiết triều), cung Phù Cực, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu…
Thành nội có 4 cổng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Cửa Nam được xây dựng lớn nhất, mở ba vòm cửa, các cửa còn lại chỉ có 1 vòm. Phía trên cửa Nam và cửa Bắc là vọng lâu. Vọng lâu ngoài chức năng là lầu canh còn là nơi Vua ngự duyệt quân trước khi xuất chinh và chủ trì các nghi lễ quan trọng khác.
Những khối đá khổng lồ được ghè đẽo vuông vức, xây xếp lên nhau tạo nên tường thành vững chãi |
Các nhà khoa học đánh giá, giá trị nổi bật và khác biệt của Thành Nhà Hồ là sự thể hiện khả năng xây xếp những khối đá khổng lồ, được ghè đẽo vuông vức đạt đến độ chính xác tuyệt đối, để xây thành một công trình vĩ đại của khu vực Đông Á, Đông Nam Á cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.
Những giá trị nổi bật toàn cầu
Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (ii) và (iv) về Di sản Văn hóa.
Thành Nhà Hồ biểu hiện ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và việc tiếp nhận các nguyên tắc phong thủy của quy hoạch đô thị trong một bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và kết hợp một cách độc đáo các yếu tố vào công trình và cảnh quan của tòa thành.
Những khối đá được ghè đẽo công phu, chính xác và được lắp ghép tinh vi tạo nên cổng thành đẹp hiếm thấy |
Thành Nhà Hồ là ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc trong một cảnh quan thiên nhiên minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Tân Nho giáo thực hành cuối thế kỷ XIV của Việt Nam, ở thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực.
Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một Nhà nước Tân Nho giáo và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành Nhà Hồ so với các chuẩn mực Trung Hoa.
Du khách tham quan Thành Nhà Hồ |
Phát lộ dần hình hài về Kinh đô vàng son
Mỗi đợt khai quật khảo cổ tại khu vực Thành Nhà Hồ, lại phát lộ ra nhiều hiện vật, kiến trúc… Qua đó, dần phát lộ hình hài về một Kinh đô vàng son, một tòa thành độc đáo.
Trong cuộc khai quật năm 2008 tại khu vực cổng Nam Thành Nhà Hồ, đã phát lộ dấu tích con đường Hòe Nhai, mà như UNESCO gọi, là con đường Hoàng gia. Con đường này được Vương triều Hồ xây dựng năm 1402, nối từ khu vực Hoàng thành đến Đàn tế Nam Giao, với chiều dài khoảng 3,5km. Đây được đánh giá là đường lát đá cổ ở Kinh thành phong kiến được bảo tồn nguyên vẹn nhất hiện nay.
Hiện vật khai quật được trong Thành Nhà Hồ |
Đến năm 2011, qua khai quật tại cổng Nam Thành Nhà Hồ, các nhà khoa học phát hiện một công trình quân sự được xây dựng khoảng thế kỷ XVI, là chiến lũy xây bằng đá hình móng ngựa. Đây là lũy phòng thủ ở cổng thành lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam.
Cách cổng Nam Thành Nhà Hồ 2,5km về phía Nam là Đàn tế Nam Giao. Đàn Nam Giao Thành Nhà Hồ là di tích còn tương đối nguyên vẹn và cổ nhất trong lịch sử đàn tế Giao Việt Nam. Đây cũng là công trình kiến trúc vừa có đặc điểm chung của đàn tế Giao phương Đông, vừa có những nét đặc sắc riêng có của Việt Nam.
Đầu chim phượng bằng đất nung khai quật được trong Thành Nhà Hồ |
Ngoài ra, qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học còn phát hiện ra nền móng kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn ở khu vực Chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu… Bên cạnh đó, đã thu nhận được rất nhiều hiện vật như: Đầu chim phượng, uyên ương bằng đất nung; gạch, trang trí lá đề thời Trần – Hồ; ngói phẳng, ngói cong lòng máng thời Lê; gốm, men thời Trần – Hồ và Lê Sơ; một số cụm bi – đạn đá…
Qua các cuộc khai quật đã dần phát lộ về một Kinh đô vàng son, tòa thành độc đáo |
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: “Thành Nhà Hồ đang còn tiềm ẩn rất nhiều các di tích kiến trúc khác nhau. Tất cả đều được quy hoạch, bố trí hết sức quy chuẩn, đồng bộ, hài hòa, bài bản… Nếu làm tốt và khoa học, dần dần chúng ta có thể hiểu được và khôi phục được một Kinh đô cổ nhất Đông Nam Á, từng bước biến di sản trở thành một trong những di sản văn hóa có giá trị nổi bật nhất của Việt Nam, có sức hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước và thế giới”.