SGGPO
Ngày 6-9, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM đã ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center – ESC).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành khác đã tham dự.
Nghi thức nhấn nút khánh thành Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) tại SHTP |
Tại chương trình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã bày tỏ sự vui mừng với rất nhiều thông tin sinh động và những mô hình ESC hết sức có ý nghĩa, thể hiện dấu ấn trong tiến trình TPHCM đang thực hiện Nghị quyết 98.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện. Ảnh: CAO THĂNG |
ESC được hình thành từ hai trung tâm là Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center – SCDC) và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (International Electronics Training Center – IETC), đều đã hoạt động tại SHTP trước đây.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo bộ, ngành và thành phố tham quan ESC. ẢNH: CAO THĂNG |
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, việc thành lập các mô hình SCDC và IETC trước đây là bước chuẩn bị hết sức quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong năm 2023.
Với mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo quy mô đủ lớn có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện thu hút các chương trình hợp tác quốc tế trong tương lai, Ban Quản lý SHTP quyết định hợp nhất SCDC và IETC thành ESC. Việc hợp nhất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan vì các ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm ESC. Ảnh: CAO THĂNG |
Trong định hướng phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn, SHTP trọng tâm thu hút đầu tư và định vị vai trò của ESC trong tổng thể định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng này. Mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh; việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại sự kiện. Ảnh: CAO THĂNG |
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết: “Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 cho phép TPHCM được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có các cơ chế chính sách phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu đãi các nhà đầu tư… Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng KH-CN, có thể phát triển thêm các khu khác để phát triển các ngành công nghệ cao nói chung và trong đó có vi mạch, bán dẫn”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định: “Trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, quan trọng nhất để đào tạo nguồn nhân lực là chọn biện pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất. Tức phải có nghiên cứu cơ bản và phải hiểu về công nghệ lõi. Chúng ta sẽ học hỏi từ thiết kế, đến khâu chế tạo, mô hình sản phẩm, đóng gói… và Nhà nước sẽ xung phong đầu tư nếu cần thiết. Từ các nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp KH-CN, Chính phủ cam kết đầu tư cho tương lai”.