Theo đó, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội (Ban Chỉ đạo) gồm 22 thành viên, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng ban.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Phó Trưởng Ban Thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là Phó Trưởng Ban.
Các thành viên gồm có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Đặng Khánh Toàn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng; Phó Trưởng Ban, Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng – Tổ trưởng Tổ Giúp việc.
Chức năng của Ban Chỉ đạo
Nghiên cứu, đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định các chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược về chuyển đổi số của Quốc hội, Kiến trúc tổng thể Quốc hội số và Chương trình chuyển đổi số của Quốc hội giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định những cơ chế, chính sách đặc biệt theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong tiến trình chuyển đổi số ở Quốc hội, gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và phát triển Quốc hội số.
Tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội phương hướng, giải pháp để thực hiện các chủ trương, chiến lược, chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng và thực hiện Quốc hội số để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng Quốc hội số; kết nối thông tin với các cơ quan Đảng, Chính phủ phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án trong quá trình xây dựng và thực hiện Quốc hội số; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số của Quốc hội; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của cơ quan mình. Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Quốc hội số. Định kỳ 3 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Quốc hội số. Ban Chỉ đạo kịp thời báo cáo và xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung xây dựng và thực hiện Quốc hội số (nếu cần).
Thành lập Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo
Thành lập Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo (gọi tắt là Tổ Giúp việc) do 1 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm Tổ trưởng. Tổ phó và các thành viên là lãnh đạo cấp vụ của cơ quan có thành viên Ban Chỉ đạo và một số đồng chí lãnh đạo cấp vụ có liên quan thuộc Văn phòng Quốc hội và đơn vị liên quan.
Tổ Giúp việc được huy động các chuyên gia tư vấn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Văn phòng Quốc hội làm nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc. Tổ trưởng Tổ Giúp việc trình Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định thành lập Tổ Giúp việc, Kế hoạch hoạt động và Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ Thành viên Ban Chỉ đạo. Các thành viên của Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Văn phòng Quốc hội và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/11/2024, thay thế Nghị quyết số 626/NQ-UBTVQH15 ngày 14/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/thanh-lap-ban-chi-dao-chuyen-doi-so-cua-quoc-hoi-197241125101939603.htm