Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục giảm điểm trong những phiên giao dịch đầu tháng 10. Đi kèm với đó là thanh khoản thị trường về mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Cụ thể thì trong phiên giao dịch đầu tháng 10 vừa qua, giá trị khớp lệnh trên sàn chứng khoán HoSE đạt gần 10.000 tỷ đồng, giảm 16% so với các phiên trước đó. So với trung bình 20 phiên gần nhất (20.000 nghỉ tỷ đồng) , giá trị khớp lệnh giảm 52%.
Lý giải về nguyên nhân gây nên tình trạng này, một số chuyên gia cho rằng đây là phản ứng của nhà đầu tư sau quãng thời gian hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới. Trong thời gian tới, thị trường thậm chí sẽ còn phải đối mặt với một số những thách thức bên lề nữa.
Với nền kinh tế thế giới, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cả hàng hoá tăng mạnh cũng sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam. Đây là những yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng.
Thêm vào đó, việc Fed tiếp tục đưa ra quan điểm cứng rắn trong chính sách lãi suất tại phiên họp tháng 9 cũng đã đẩy giá đồng USD tăng mạnh tại nhiều thị trường. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều chỉnh, NHNN vẫn đang duy trì mức lãi suất thấp, ngược với chính sách của Fed nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất. Việc chấp nhận đánh đổi tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã cho thấy một số tín hiệu hồi phục tích cực trong Quý 3/2023.
Bên cạnh duy trì lãi suất ở mức thấp, NHNN cũng vừa có động thái rút lượng lớn tiền ra khỏi thanh khoản hệ thống bằng nghiệp vụ phát hành tín phiếu. Ước tính trong 5 phiên giao dịch cuối tháng 9, đã có 70.000 tỷ đồng được rút ra qua kênh tín phiếu giúp giảm áp lực tỷ giá của USD/VNĐ.
Một số chuyên gia cho rằng nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trong bối cảnh hiện tại và quan sát thị trường. Xu hướng thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng và có thể sẽ được thể hiện rõ hơn trong giai đoạn cuối năm 2023, đầu 2024 sắp tới.