Giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường chứng khoán tuần qua chỉ đạt hơn 10.000 tỉ đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2023 đến nay.
Thanh khoản chứng khoán èo uột
VN-Index đã đóng cửa tuần giao dịch thứ 48 năm nay tại 1.250,5 điểm, tăng 22 điểm so với tuần trước. Dù điểm số tăng, nhưng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.131 tỉ đồng, giảm gần 17%.
Đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất theo tuần kể từ tháng 5-2023 đến nay. Trong 8 tuần gần đây, chưa khi nào giá trị giao dịch bình quân phiên trên HoSE vượt 15.000 tỉ đồng, theo quan sát từ chuyên gia Fiintrade.
Thanh khoản chứng khoán thấp kéo dài trong khi nhiều loại tài sản khác liên tiếp vượt đỉnh về giá, khiến nhiều ý kiến cho rằng dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang bị hút sang bất động sản, ngoại tệ, tiền số…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Huy – giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC – cho rằng khả năng dòng tiền dịch chuyển vậy cũng “hợp lý”.
Ngoài ra theo ông Huy, việc một lượng tiền lớn cần phân bổ để xử lý lượng trái phiếu đến hạn và các khoản nợ xấu theo thông tư 02 cũng khiến tác động đến thanh khoản chứng khoán.
“Nhìn sang kênh như bất động sản (một số địa phương sốt đất) hoặc tiền số, thì rõ ràng chứng khoán giai đoạn này khó khăn. Đặc biệt khi khối ngoại bán ròng mạnh”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, khi thanh khoản rút đi, giá tài sản sẽ giảm. Đối với nhà đầu tư dài hạn, chứng khoán giai đoạn này có thể là cơ hội tốt để săn lùng những cổ phiếu với định giá hấp dẫn.
“Vùng đáy lúc nào cũng nhiều tin xấu nhưng cũng không nên quá bi quan”, ông Huy nói.
Nhà đầu tư nên thận trọng với những kênh đầu tư chưa pháp lý
Trong khi đó, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam – nói thanh khoản thấp nhưng dòng tiền chuyển sang các thị trường khác với quy mô lớn chưa thực sự xuất hiện.
Thứ nhất, để đầu tư vào thị trường bất động sản, cần số vốn ban đầu lớn hơn so với chứng khoán. Do đó số lượng nhà đầu tư có thể chuyển sang thị trường này không phải quá nhiều, ông Hiếu nhận định.
Thứ hai, giao dịch ngoại hối với mục đích đầu tư chưa được Chính phủ cho phép. Điều này khiến việc chuyển dịch sang thị trường này gặp nhiều rào cản và rủi ro đáng kể, theo ông Hiếu.
Thứ ba, với tài sản số, ông Hiếu cũng cho biết chưa được Chính phủ bảo vệ ở Việt Nam, nên việc chuyển dịch dòng vốn vào đây sẽ gặp nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần thận trọng.
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán, ông Đinh Quang Hinh – trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường – khối phân tích chứng khoán VNDirect – cho biết các chỉ số tuần qua đã phục hồi tích cực.
Theo đó, đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước và quốc tế. Cụ thể, áp lực tỉ giá phần nào hạ nhiệt trong tuần qua khi chỉ số đồng USD (DXY) điều chỉnh về quanh mức 106 sau khi đồng yen tăng mạnh, do kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tăng lãi suất trong các cuộc họp tới.
Cùng với đó, theo ông Hinh, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng giảm xuống dưới 5% sau những động thái hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Thông tin về tăng trưởng tín dụng đạt 11,12% tính đến ngày 22-11 cũng củng cố cho triển vọng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức 14-15%. Qua đó hỗ trợ triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý cuối năm.
Ngoài ra còn có các thông tin tích cực khác, bao gồm việc Quốc hội đưa phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% và khối ngoại quay trở lại mua ròng đã thúc đẩy xu hướng phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm ngành, ông Hinh cho hay.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thanh-khoan-chung-khoan-thap-nhat-gan-2-nam-tien-chay-di-dau-20241130094122536.htm