Cuốn sách “Thanh Hóa tươi đẹp” (2022, NXB Thanh Hóa) có khổ 14,5X20,5cm, dung lượng gần 200 trang. Nội dung cuốn sách được các tác giả Nguyễn Xuân Dương – Lâm Phúc Giáp dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Thanh Hoa pittoresque” do học giả người Pháp Le Breton viết, xuất bản năm 1922. Hiện bản gốc đang được lưu giữ tại Thư viện Thanh Hóa. Như một cuốn cẩm nang, hướng dẫn du lịch, Le Breton đã khắc họa chân thực, sắc nét, lan tỏa nét đẹp đất và người xứ Thanh.
Cuốn sách "Thanh Hóa tươi đẹp" của học giả Le Breton do Nguyễn Xuân Dương - Lâm Phúc Giáp dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, NXB Thanh Hóa ấn hành.
Trước khi bước vào hành trình khám phá xứ Thanh, học giả Le Breton rất tinh ý trong việc cung cấp cho độc giả kiến thức tổng quát nhất về địa lý, đơn vị hành chính cùng những thay đổi địa giới, tên gọi: “Cảnh tượng Thanh Hóa không khác Bắc bộ nhưng vui mắt hơn, đẹp đẽ hơn vì châu thổ sông Mã nhỏ hơn nhiều so với châu thổ sông Hồng, nét đơn điệu chán ngắt của đồng ruộng ngập nước thường bị gián đoạn do các lèn núi đá vôi và các quả đồi xanh tươi chen vào, rải rác trong châu thổ”; “giữa những lèn núi hỗn độn, hình dáng kỳ dị, gập ghềnh, khấp khểnh gợi nhớ đến những vách đá dựng đứng các động và hang ngầm ở Vịnh Hạ Long”... Cho đến những nét tiêu biểu của lịch sử, truyền thống cách mạng, giá trị văn hóa xứ Thanh: “Thuyết tưởng là có thể làm cho Thanh Hóa trở thành trung tâm kháng chiến chống Pháp. Đây là một ý tưởng rất sáng suốt vì lịch sử nước An Nam đã chỉ ra rằng Thanh Hóa bao giờ cũng vẫn là nơi thánh địa, nơi ký gửi mọi hy vọng của dân tộc” (Thanh Hóa, nơi diễn ra các bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam)...
Với góc nhìn độc đáo, văn phong mượt mà, giàu hình ảnh, kiến văn rộng của học giả Le Breton, “dáng vóc” hay “nội tâm” của vùng đất xứ Thanh đều gợi lên bao yêu mến: Xứ Thanh - mảnh đất “có thiên nhiên đẹp nhất, cũng như giàu kỷ niệm lịch sử hay truyền thuyết nhất Đông Dương”; “níu giữ và quyến rũ như một vùng có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại”...
Tác giả như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo khi cung cấp cho độc giả những địa điểm nên ghé thăm, không thể bỏ lỡ khi du ngoạn vùng đất xứ Thanh. Đó là các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa – tâm linh tiêu biểu được liệt kê theo đơn vị hành chính cấp huyện như: Lăng Trường Nguyên, chùa Long Cảm (Hà Trung); động Bích Đào, động Bạch Á, Vân Nham (Nga Sơn); Thành Nhà Hồ, núi Xuân Đài, núi Kim Sơn (Vĩnh Lộc); đền Bà Triệu (Hậu Lộc); núi Tam Thai, làng Đan Nê (Yên Định); núi Bàn A, chùa Đại Hùng (phủ Thiệu Hóa, nay thuộc TP Thanh Hóa - PV); núi Nưa (huyện Nông Cống); Thái miếu nhà Hậu Lê; Hàm Rồng; Sầm Sơn... Những chỉ điểm thật chính xác, tinh tế của học giả Le Breton về những nét chấm phá, độc đáo trong bức tranh du lịch xứ Thanh.
Đọc cuốn sách “Thanh Hóa tươi đẹp”, độc giả có cơ hội mở mang hiểu biết, kiến thức về một số điểm danh thắng, di tích độc đáo của xứ Thanh xưa và nay. Từ đó, mỗi người sẽ có cái nhìn, đối chiếu giữa lịch sử và hiện tại để thấy được vẻ đẹp cùng sức sống bền bỉ, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng, di tích của các thế hệ người dân nơi đây trước tác động thời gian, biến ảo lịch sử.
Theo chân học giả Le Breton, hành trình khám phá xứ Thanh bắt đầu từ thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa - PV), nơi được tác giả gọi là “trung tâm du ngoạn”. Những tư liệu về tỉnh lỵ Thanh Hóa xưa mở ra thêm nhiều vỉa tầng kiến thức cho các thế hệ độc giả hôm nay: “Có thể chia thị xã làm 3 khu vực từ tây sang đông là: Khu Thành nội, khu ta và khu Tây, thành Thanh Hóa tọa lạc ở làng Thọ Hạc, lúc đầu đắp bằng đất, đến năm Minh Mạng thứ 9 mới xây lại bằng gạch (1829) theo kiểu vauban như các thành đã được dựng lên ở Trung Kỳ và Nam Kỳ bởi Olivier de Paynamel, một trong những người Pháp phò tá vua Gia Long, do Đức Giám Mục xứ Adran, Pigneau de Behaine tuyển mộ vào cuối thế kỷ XVIII. 1.200 binh lính Thanh Hóa, 2.100 lính Nghệ An xây thành dưới quyền Vệ úy (tương đương Đại tá) Lê Văn Hiểu và trấn thủ Ngô Văn Vinh – mở 4 cửa theo 4 hướng chính nhưng cửa hướng Nam không mở”...
Từ “trung tâm du ngoạn” Thanh Hóa, ngòi bút của Le Breton đưa độc giả đi muôn phương. Nào là đến với đất biển Sầm Sơn – “nơi nghỉ mát tuyệt vời nhất để phục hồi sức khỏe, vì nơi đây cho phép nghỉ ngơi hoàn toàn chứ không phải là một bãi tắm đơn thuần; hơn nữa nước biển ở đây lại trong hơn nhiều”. Từ ngày ấy, Sầm Sơn đã rất “đáng mặt” đô thị du lịch biển với: “Đại lộ của bãi bể kéo dài gần 3km... Bên đại lộ là những tư thất riêng, và có tòa nhà của Ái Hữu Nhà Dây Thép, sở Lục Lộ, nhà Đoan, biệt thự của công sứ Ninh Bình và của phủ Toàn quyền. Biệt thự của tòa sứ Thanh Hóa với những cột gỗ lim tuyệt đẹp xây gần đền Độc Cước..., có biệt thự Des Rochers xây trên một mỏm dựng đứng dưới chân sóng vỗ của tỉnh dành cho các quan chức nghỉ mát”...
Dạo một vòng xứ Thanh qua những ghi chép của học giả người Pháp Le Breton để thêm sự hiểu biết, thêm tự hào trước vẻ đẹp thiên nhiên, chiều sâu lịch sử - văn hóa lắng đọng ngàn năm. Dưới góc nhìn của các sử gia nổi danh nước nhà hay dưới ngòi bút của các học giả Pháp, vai trò, vị trí cùng những đóng góp của mảnh đất xứ Thanh trong lịch sử vẫn luôn được nhìn nhận, đánh giá cao: “Thanh Hóa không phải chỉ là một đơn vị hành chính bình thường, đây là cả một Xứ”.
Cuốn sách “Thanh Hóa tươi đẹp” gói gọn tất cả những tâm huyết, tình cảm, hiểu biết của học giả người Pháp Le Breton với xứ Thanh – mảnh đất mà ông từng gắn bó.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thanh-hoa-tuoi-dep-qua-nhung-ghi-chep-cua-hoc-gia-nguoi-phap-239775.htm
Bình luận (0)