Dự án lớn thứ 3 ở tỉnh Thanh Hóa
Sau các dự án có mức đầu tư lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỉ USD, Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 gần 2,8 tỉ USD, tỉnh Thanh Hóa sắp có dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn với tổng mức đầu tư hơn 2,4 tỉ USD.
Ngày 29.2, thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã họp và chính thức thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Theo dự kiến, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn sẽ xây dựng 1 nhà máy điện LNG, công suất 1.500 MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km.
Ngoài ra, còn đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG, như: kho chứa LNG, trạm tái hóa khí trên bờ sức chứa khoảng 230.000 m3; trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm…
Quy mô dự án dự kiến rộng khoảng 68,2 ha, ở khu vực phía nam Khu kinh tế Nghi Sơn, nằm trên địa phận xã Hải Hà (TX.Nghi Sơn). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2,4 tỉ USD (khoảng hơn 58.000 tỉ đồng). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, và vận hành thương mại trước năm 2030.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư, gồm: Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty điện lực nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát – CTCP (APT); nhà đầu tư Gulf Energy Development Public Company Limited; nhà đầu tư SK E&s Co., Ltd; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam – CTCP (PV POWER) và Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group).
Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, và thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến trong quý 2 năm 2024.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn là dự án có quy mô đầu tư lớn thứ 3 ở tỉnh Thanh Hóa, sau Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Ông Hưng cũng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo UBND tỉnh tiến hành các quy trình dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Trong đó, việc tổ chức đấu thầu phải diễn ra một cách công bằng, công khai, và minh bạch.
Nhiệt điện Công Thanh tiếp tục xin chuyển sang nhiệt điện LNG
Như vậy, ngoài việc triển khai các bước để đầu tư dự án trên, tỉnh Thanh Hóa còn có thể có tiếp một nhà máy nhiệt điện LNG thứ 2 khi mà tỉnh này và Công ty CP nhiệt điện Công Thanh đang tiếp tục đề nghị Chính phủ chấp thuận chuyển đổi từ dự án nhiệt điện nhiên liệu than sang khí LNG nhập khẩu.
Như Thanh Niên cũng đã thông tin, tháng 3.2011, Công ty CP nhiệt điện Công Thanh khởi công xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh, quy mô hơn 60 ha (thuộc địa phận xã Hải Yến, TX.Nghi Sơn; nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn). Nhà máy có công suất 600 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD.
Theo kế hoạch, tổ máy số 1 (công suất 300 MW) sẽ hoàn thành vận hành trong quý 1/2014; tổ máy số 2 (300 MW) hoàn thành và vận hành trong quý 3/2014. Tuy nhiên, kể từ khi khởi công năm 2011 đến nay, đã 13 năm trôi qua, nhưng dự án tỉ đô này mới mới cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng cho khu vực nhà máy chính; xây được cổng và một phần hệ thống tường rào quanh khu đất.
Nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, và hiện tại đầu tư nhiệt điện than không còn là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư của các tổ chức tín dụng; việc phát triển nhiệt điện than không còn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị.
Trước thực trạng trên, năm 2023 và mới đây là đầu năm 2024, Công ty CP nhiệt điện Công Thanh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị được chuyển từ dự án nhiệt điện nhiên liệu than sang khí LNG nhập khẩu với sản lượng 1,2 – 1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi nhiên liệu nâng lên từ 600 MW lên 1.500 MW; sản lượng điện phát lên lưới quốc gia hàng năm tăng từ 3,9 tỉ kWh lên 9,0 tỉ kWh; tổng diện tích sử dụng đất của dự án tăng từ 92,99 ha lên 197,3 ha; và tổng vốn đầu tư tăng từ 1,2 tỉ USD lên 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, cho đến ngày 29.2, việc đề nghị chuyển dự án nhiệt điện Công Thanh từ nhiệt điện than sang khí LNG vẫn chưa được chấp thuận.