Ngày 3.12, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (H.Bá Thước, Thanh Hóa) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đề án, quy mô thực hiện các điểm, tuyến du lịch, không gian du lịch trên diện tích rộng gần 17.000 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và kết nối với vùng đệm thuộc địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hóa.
Mục tiêu khi thực hiện phát triển du lịch ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng để phát triển các loại hình du lịch.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ đón được khoảng 15.800 lượt khách du lịch; đến năm 2030 đón khoảng 27.000 lượt; và đến năm 2045 đón khoảng 50.000 lượt. Trong đó, tỷ lệ khách quốc tế đến Pù Luông từ 30% năm 2025 lên 50% năm 2045. Doanh thu từ hoạt động du lịch đến năm 2045 đạt 85 tỉ đồng. Trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.
Để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư đến đầu tư du lịch trong khu vực khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa đưa ra quy hoạch cho xây dựng khu hành chính ở bản Pà Ban (xã Thành Sơn, H.Bá Thước). Đồng thời, tập trung phát triển các điểm du lịch vệ tinh, như thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già là những địa danh có tiềm năng về phát triển du lịch trong khu vực rừng Pù Luông.
Cùng với các dịch vụ du lịch, tỉnh Thanh Hóa sẽ cho xây dựng 9 tuyến du lịch nội vùng, 7 tuyến kết nối liên vùng và 5 tuyến chạy marathon băng rừng Pù Luông. Đặc biệt, sẽ xây dựng loại hình du lịch mạo hiểm làm loại hình du lịch chủ đạo ở Pù Luông, để phục vụ du khách chekking quần thể cây chò cổ thụ; chinh phục đỉnh Pù Luông; khám phá rừng thông Pà Cò, thông đỏ; hang Kho Mường; trải nghiệm thác Canh Chan trong khu vực rừng Pù Luông.
Đáng chú ý, từ nay đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu, từ trung tâm hành chính (bản Pà Ban, xã Thành Sơn) đến đỉnh Pù Luông và đến khu du lịch Cao Sơn (xã Lũng Cao, H.Bá Thước).
Hệ thống cáp treo sẽ giúp du khách có điều kiện chiêm ngưỡng hệ sinh thái đa dạng của rừng Pù Luông, và nằm ở độ cao hơn 1.700 m so với mực nước biển.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đặt ra yêu cầu khi tiến hành xây dựng, phát triển du lịch trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thì việc xây dựng các công trình phục vụ dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ nguyên tác đảm bảo thân thiện với thiên nhiên, không phá vỡ cảnh quan.
Riêng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt về rừng chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.
Để triển khai xây công tác lập quy hoạch, quảng bá, xây dựng, cải tạo một số công trình, hạng mục thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chi hơn 182 tỉ đồng để thực hiện.
Việc thực hiện đề án trên được giao cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, kết hợp với các nhà đầu tư triển khai.