Giảm nghèo bền vững

Ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá – cho biết, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Thanh Hoá đã huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Thanh Hoá đặt mục tiêu trong năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên.

anh 1.jpg
Năm 2024 Thanh Hoá thực hiện 7 dự án giảm nghèo. Ảnh minh hoạ: LD 

Trong năm 2024, Thanh Hoá thực hiện 7 dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Năm 2022 vốn đầu tư phát triển đã giải ngân được 254.881 triệu đồng; giải ngân năm 2023 được 412.052 triệu đồng (gồm vốn năm 2022 chuyển nguồn sang 2023 và vốn năm 2023).

anh 2.jpg
Thanh Hoá huy động tối đa các nguồn lực tham gia công tác giảm nghèo bền vững.  Ảnh minh hoạ: LD

Dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân vốn đầu tư phát triển được Trung ương giao giai đoạn 2022 – 2024 đạt khoảng 1.305.560 triệu đồng/1.387.293 triệu đồng, đạt 94% so với kế hoạch vốn.

Từ nguồn vốn sự nghiệp đã giải ngân năm 2021: 37.455 triệu đồng; năm 2022: 23.247 triệu đồng; năm 2023: 335.273 triệu đồng, dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ giai đoạn 2021 – 2024 đạt 936.104 triệu đồng/1.328.489 triệu đồng, đạt 70%.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đến tháng 9 năm 2024 được 246.928 triệu đồng. Giải ngân vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đến nay là 154.686 triệu đồng.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực 

Để thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch, Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về hỗ trợ giảm nghèo.

Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình; hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án cơ sở hạ tầng huyện nghèo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm đảm bảo đúng quy định.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn theo phân công của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho tỉnh đổi đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Huy động tối đa các nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn lực xã hội khác tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu đầu tư giảm nghèo của Trung ương.

Theo chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng số hộ đề nghị xây mới hoặc sửa chữa nhà là 8.517 hộ, tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 263.080 triệu đồng.

Vũ Điệp