Mỹ Sơn là quần thể di tích của vương triều Chăm Pa xưa, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
Năm 1885, người Pháp phát hiện một khu di tích hoành tráng chìm khuất trong thung lũng giữa rừng cây rậm rạp, đó là Mỹ Sơn (nay thuộc xã Duy Phú, H.Duy Xuyên, Quảng Nam, cách Hội An 45 km).
Thánh địa Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng (chịu ảnh hưởng của Ấn Ðộ giáo) với hơn 70 đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc đặc trưng từng thời kỳ của vương quốc Chăm Pa từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 13. Ðáng tiếc, do chiến tranh, kiệt tác kiến trúc Chăm Pa là tháp A1 (tháp Chùa, cao nhất Mỹ Sơn, 24 m) đã bị bom đánh sập.
Mỹ Sơn chia thành nhiều cụm công trình, mỗi cụm gồm một tháp lớn làm đền thờ chính và các tháp phụ xung quanh. Các tháp chính đều có dạng hình chóp, tượng trưng cho đỉnh núi thiêng Meru (là trung tâm vũ trụ, nơi cư ngụ của các vị thần trong Ấn Ðộ giáo). Tháp chính thờ thần Shiva (thần bảo hộ các triều vua Chăm Pa) hoặc thờ sinh thực khí linga. Các họa tiết thường là hoa lá, voi, sư tử, vũ nữ Apsara, chư thiên…
Ðến nay, dù có rất nhiều giả thuyết nhưng kỹ thuật xây dựng (chất kết dính) cũng như nung gạch (trải qua hơn ngàn năm vẫn cứng chắc và không bám rêu) của công trình tại Mỹ Sơn vẫn là câu hỏi làm đau đầu các nhà khoa học.