Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trang trại, anh Đinh Văn Hướng chia sẻ bí quyết thành công. Là người dân tộc Mường, lại không học hành đến nơi đến chốn, lấy vợ xong thì ở nhà làm ruộng nên đời sống gia đình anh Hướng gặp rất nhiều khó khăn.

Được Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên tổ chức các lớp tập huấn, anh Hướng có thêm nhiều kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Sẵn có diện tích đất canh tác của gia đình, năm 2010, anh Hướng quy hoạch 2.000m2 đất trồng các loại dưa, như dưa chuột, dưa lê, dưa hấu. Do thực hiện đúng kỹ thuật, lại được mùa, được giá nên ngay từ những năm đầu tiên, ruộng dưa nhà anh Hướng đã cho thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ.

Với suy nghĩ trồng dưa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả bấp bênh nên năm 2015, vợ chồng anh Hướng bắt đầu chuyển dần sang chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ đồng vốn tiết kiệm trong những năm trồng dưa, gia đình anh mua được 2 con trâu và 1 cặp bò sinh sản. Đến năm 2017, đàn trâu, bò của gia đình anh phát triển lên 8 con. Tuy nhiên, thời điểm đó, giá trâu bò xuống thấp, thị trường không ổn định nên anh Hướng quyết định chuyển sang nuôi ngựa sinh sản và ngựa thịt theo hướng hàng hóa. Theo anh Hướng, ngựa là con vật dễ nuôi, dễ thích nghi, ít bệnh tật, giá cả và đầu ra ổn định. Lúc đầu, anh mua 5 con ngựa cái về nuôi thử.

Anh Đinh Văn Hướng tại trang trại gia súc của gia đình.  

Nhờ khí hậu mát mẻ, phù hợp, đồng cỏ tự nhiên rộng, cộng với kiến thức nuôi ngựa anh tự học hỏi và kinh nghiệm chăn nuôi gia súc đã tích lũy được nên đàn ngựa sinh sản, phát triển tốt, mỗi năm một lứa, ngựa đực anh nuôi vỗ béo bán từng đợt, ngựa cái tiếp tục nhân giống. Chỉ trong 3 năm (2017-2020), đàn ngựa của gia đình anh Hướng có thời điểm lên đến 60 con. Với một cặp ngựa mẹ lẫn ngựa con, anh bán được giá từ 60 đến 70 triệu đồng/cặp. Ngựa đực to béo, khỏe mạnh có thời điểm bán được 40 triệu đồng/con.

Với lợi thế về bãi chăn thả rộng, nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, nguồn nước khe núi chảy quanh năm, thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, anh Hướng đầu tư nuôi thêm dê, lợn sinh sản, kết hợp trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Hiện nay, gia đình anh có 45 con ngựa, 30 con dê, 12 con bò và 10 con lợn; trong đó có khoảng 35 ngựa nái. Mỗi năm, hơn 3 chục ngựa nái đẻ trung bình 20-25 con, bán ra thị trường, vừa thịt vừa bán, trung bình một con bán được 20-25 triệu đồng. Năm 2023, nếu giá cả ổn định, thời tiết thuận lợi, dự kiến thu nhập của gia đình anh Hướng là hơn 500 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Hướng còn vận động bà con trong bản học tập và làm theo mô hình của gia đình để xóa đói, giảm nghèo; đồng thời tạo việc làm ổn định cho hai lao động với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Đinh Văn Mừng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lềm cho biết: “Mô hình kinh tế của gia đình anh Đinh Văn Hướng là một trong những mô hình đầu tiên của bản trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Từ mô hình của gia đình anh Hướng, chúng tôi tích cực tuyên truyền để người dân tìm hiểu, học hỏi thêm cách làm kinh tế, nâng cao đời sống”.

Bài và ảnh: THU NGA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.