Đi và khám phá một vùng đất mới luôn là điều thích thú đối với nhiều người, nhất là những người thích ghi chép và sưu tầm.
Trở lại vùng tuyến lửa Quảng Trị, Quảng Bình lần này, chúng tôi thực sự xúc động trước sự hy sinh gian khổ, sức chịu đựng phi thường, bền bỉ mà người dân nơi đây đã phải trải qua trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc đổ bóng xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hòa.
Mùa hè năm 1972, đã có khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ giội xuống mảnh đất này. Trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một ngọn cỏ nào có thể sống sót. Thế mà giờ đây, chính nơi đây là những thảm cỏ, những hàng cây xanh rờn vươn lên trong cái nắng, cái gió trải rộng mênh mông. Đến với mảnh đất Thành cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng từ cỏ cây hoa lá đến từng viên gạch đều thấm đẫm máu của các anh hùng liệt sĩ.
Bình yên sông Thạch Hãn (Quảng Trị). |
Cách Thành cổ khoảng 3km, chúng tôi đến xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, thăm nhà và dâng hương lên bàn thờ để tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một người con ưu tú của quê hương Quảng Trị, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã nhiều lần ra thăm Quảng Trị, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi trên con đường này vào một buổi sáng mùa hè tràn ngập ánh nắng cùng một người bạn vừa là tài xế vừa là hướng dẫn viên. Không phải chỉ có cát trắng gió Lào, con đường còn đưa tôi đi qua các cánh đồng rộng lớn với những ruộng lúa non đang bén gốc lên xanh tốt.
Trên đường đi, bạn giới thiệu cho chúng tôi một vùng từng là khu phi quân sự với những cánh đồng mênh mông nổi tiếng với hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra. Ngày nay, sự sống đã hồi sinh với những mái nhà yên ả giữa vườn cây trái xanh tốt. Cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng Bến Hải trong chiến tranh là giới tuyến tạm thời ngăn chia hai miền Nam-Bắc, giờ là một di tích lịch sử để người dân địa phương và du khách khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu thêm về một thời lịch sử ngăn cách đôi bờ. Cái nắng mùa hè như làm trong xanh hơn, đẹp và hấp dẫn hơn cho dòng sông Bến Hải. Những con đường uốn theo dọc bờ sông, hàng tre, cánh đồng, vườn cây… tạo nên một hình ảnh thân quen, thanh bình.
Xe vào địa phận Quảng Bình với những cồn cát trắng nối tiếp. Đây là nét đặc trưng của vùng đất này, đem đến cho nó một vẻ đẹp riêng mà không nơi nào có được. Trên những cồn cát là cánh đồng điện gió rộng lớn men theo một quãng đường dài trên địa phận huyện Lệ Thủy. Điểm đầu tiên ở TP Đồng Hới mà chúng tôi tìm đến là tượng đài mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ. Câu chuyện về mẹ Suốt đã đi vào bài học tuổi thơ của bao thế hệ học trò. Tôi xúc động đứng bên tượng đài của mẹ, hình dung ra hình ảnh người mẹ với mái tóc bạc phơ nhưng mạnh mẽ, cúi người trên mái chèo để ngày đêm đưa bộ đội qua sông dưới bom đạn của kẻ thù. Người mẹ ấy đã ngã xuống nhưng vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, bên dòng sông đầy ắp những chiến tích anh hùng mà mẹ đã bao lần “một tay lái chiếc đò ngang”.
Thời gian ở Quảng Bình không nhiều, sau khi đi một vòng quanh TP Đồng Hới, chúng tôi đến Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Một khung cảnh hùng vĩ với các ngọn núi sừng sững, những hang động nối tiếp nhau. Trong gió ngàn Trường Sơn, trên dòng sông Son khi đi qua bến phà A, bến phà Nguyễn Văn Trỗi của con đường 20 Quyết Thắng năm xưa, dường như tôi vẫn nghe vang vọng âm thanh của những đoàn quân ra trận ngày nào. Với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, bộ đội các đơn vị chủ lực, địa phương và thanh niên xung phong đã bám trụ chiến đấu, hàng trăm người con của quê hương đã ngã xuống để hôm nay cho màu xanh của dòng sông Son, màu xanh cây trái nơi đây loang loáng, ngập tràn…
Khi mặt trời trốn mình sau dãy Trường Sơn, để lại không gian một màu tím hồng vợi nhẹ, tôi chợt khe khẽ hát câu: “Về đây một màu xanh thương đến thế, ơi Quảng Bình, Quảng Trị quê hương…”.
Bài và ảnh: QUANG HỒI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.