Cho đến nay, sau tròn 70 năm, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ quá trình đàm phán, thương lượng đi đến ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (hàng ngồi thứ hai từ trái sang) thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Thắng lợi của chính nghĩa
Trong bài viết đăng trên Báo điện tử Chính phủ, TS Đặng Kim Oanh – Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – nhìn nhận, với Hiệp định Geneva, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương lớn, căn cứ địa vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam Việt Nam. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để quân và dân ta củng cố thắng lợi giành được, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, rạng sáng ngày 21.7.1954, ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Cũng trong ngày 21.7.1954, Hội nghị họp phiên bế mạc và thông qua “Tuyên bố cuối cùng” về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương chấm dứt chiến sự ở các nước Đông Dương; các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời quy định việc quân đội Pháp rút khỏi các nước Đông Dương. Từ đây mở ra một cục diện mới, buộc Pháp phải rút quân về nước, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở ra giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
Hiệp định Geneva khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền thống hòa hiếu, tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
TS Đặng Kim Oanh chỉ ra, khi đánh giá về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneva với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương khẳng định: “Với Hiệp định Geneva, tuy ta chưa hoàn thành việc giải phóng cả nước nhưng đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: Đánh bại đế quốc Pháp, giải phóng miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc chuẩn bị điều kiện tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ sau này”.
4 bài học kinh nghiệm quý giá
Khi phân tích các bài học kinh nghiệm quý đúc kết từ Hiệp định Geneva, TS Đặng Kim Oanh chỉ ra đó là bài học về giữ vững độc lập, tự chủ, coi lợi ích quốc gia, dân tộc vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc cao nhất trong đối ngoại, trong nhân nhượng có nguyên tắc.
Bài học lớn khác là về nhân nhượng có nguyên tắc. Hội nghị Geneva năm 1954 là lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ Việt Nam tham gia một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn. Trong quá trình đàm phán, chính vì quan điểm xuyên suốt cốt lõi là giữ vững độc lập, tự chủ, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, nên trong quá trình đàm phán Việt Nam luôn quán triệt quan điểm nhân nhượng có nguyên tắc.
Cũng theo TS Đặng Kim Oanh, bài học thứ ba là về xử trí trong quan hệ với các nước lớn. Thực tế quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định đã có những điểm không như mong muốn, bị chi phối và vì lợi ích của từng nước lớn. Vì vậy, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước lớn là nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời, chúng ta không được mơ hồ về ý đồ, mục tiêu cũng như việc các nước lớn sẵn sàng thỏa hiệp với nhau vì lợi ích của từng nước.
Tại Hội nghị Geneva, qua các hoạt động tiếp xúc với báo chí, với các hội đàm, chúng ta đã làm cho dư luận hiểu rõ thiện chí của ta, hiểu rõ âm mưu và hành động của các thế lực thù địch ép chúng ta phải chấp nhận giải pháp bất lợi cho mình. Các hoạt động này đã biến tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam thành sức mạnh, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh trên bàn đàm phán
TS Đặng Kim Oanh nhận định, với kinh nghiệm quý đúc kết qua các hội nghị ngoại giao, trong đó có thành công từ Hội nghị Geneva, ngoại giao Việt Nam đã có bước trưởng thành, ngày càng thu được thành tựu rực rỡ. Đến năm 2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và mở rộng quan hệ kinh tế – thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/thang-loi-cua-chinh-nghia-va-truyen-thong-hoa-hieu-cua-dan-toc-viet-nam-1369612.ldo