(QBĐT) - Tôi tản bộ ra đồng làng tháng giêng, một màu xanh êm ả tràn vào ánh mắt. Những thửa ruộng lúa non xanh mơn mởn, khoác lên đồng đất quê hương tấm áo mới thênh thang màu hy vọng. Nhánh sông xanh vời vợi êm trôi, như cất lên những điệu ru xứ sở loang dài giữa miền sương khói. Cánh gió xuân thì thổi miên man qua những khóm hoa dại, níu chút dư hương thoảng vào lòng tôi bồi hồi. Giữa vòm trời quê khoáng đạt vài cụm mây trắng trôi chậm rãi, dịu dàng tựa một áng thơ mới viết bởi bàn tay vi diệu mùa xuân.
Mảnh vườn nhà ai non mướt những thửa đậu, trải dài trong làn nắng mỏng lụa là. “Tháng chạp là tháng trồng khoai. Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà”. Qua những ngày đất nghỉ, từng vụ mùa cứ nối tiếp nhau trong nhịp xoay vô tận của chiếc chong chóng thời gian. Cây trái cứ lớn lên từ đượm nồng phù sa, dưỡng chất quê nhà, cùng tấm lòng thảo thơm của bao người sớm chiều vun trồng, chăm bón.
Tôi nhớ những mùa xuân xưa, mẹ cũng trồng đậu xanh, đậu lạc ở mảnh đất trước nhà. Những hạt đậu giống mẹ gieo thành từng hàng đều đặn, rồi phủ lên trên một lớp rơm ẩm. Khu vườn của mẹ ở cạnh vành giếng cũ, mỗi ngày hai bận sáng chiều mẹ phải xách từng gầu nước tưới cho vườn đậu lên xanh. Qua bàn tay chăm chút cùng nỗi đợi mong mẹ âm thầm gửi vào từng ô đất, tới khoảng đầu mùa hè, giữa cái nắng óng ả rót đầy miền quê, cả nhà tôi sẽ cùng thu hoạch đậu. Mẹ sẽ bỏ hết mớ đậu lép, đậu hư, rồi ngồi tảo tần sàng sảy, rửa sạch hết lớp đất bụi còn vương trên những hạt đậu chắc mẩy, tròn đầy.
|
Mẹ thường dành một ít để biếu họ hàng, xóm giềng, gói ghém theo cả cái tình người quê đùm bọc dung dị. Một phần được chia ra để luộc chín hay nấu chè cho đàn con nhỏ vẫn đứng ngồi đợi trông. Phần còn lại mẹ trải ra sân phơi qua mấy bận nắng, rồi dồn vào bao để dành làm kẹo, đồ xôi, nấu cháo, hoặc mẹ sẽ mang đi ép dầu ăn từ đậu lạc. Qua đến mùa mưa, có hôm mẹ ngồi rang đậu rồi giã nhỏ, trộn với muối và đường ăn với cơm nóng. Vị ngọt bùi thân thuộc còn lưu mãi giữa muôn vị nhân gian. Bao mộc mạc, chân phương như thế đã cùng mẹ nuôi anh em tôi lớn lên, trong tâm hồn bện chặt những tình sâu nghĩa nặng.
Tháng giêng, lòng người xốn xang đón vụ mùa mới, ánh mắt ai ra đồng cũng lấp lánh ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng ấm no. Bầy chim đồng nội xao xác gọi nhau về tán cây trĩu quả, cất giọng hót mê ly như kết thành chuỗi hạt, vòng qua khóm lá nghiêng chao bóng nắng. Hiện lên giữa màu áo xanh dào dạt giêng hai là màu hoa quê thắm đượm xuân thì. Bên ngõ nhà ai rợp bóng hoa xoan, tím cả trời quê tựa vết mực tàu loang vào mây trắng. Hoa cau, hoa bưởi trước thềm rụng vào cả giấc mơ, vấn vít hương quê tan trên bờ môi son đắm, tóc xõa ngang vai thiếu nữ trăng tròn. Ngoài vườn, ong bướm từng đàn dặt dìu quanh hoa cải, hoa mướp, nhuộm vàng cả đôi bờ thương nhớ, bịn rịn một ánh nhìn ưu tư.
Tháng giêng còn man mác bao nỗi chia xa, khi đến lúc những người con phải quay gót rời quê xuôi vào phố xá. Đi qua mùa đoàn tụ, những người con lớn lên bên gốc tre, bờ rạ lại nhủ lòng gìn giữ vẹn nguyên nếp nhà mình, để ánh lửa nguồn cội vẫn bền bỉ cháy và rọi sáng từng nẻo về yêu thương. Như cố nhạc sĩ họ Trịnh từng viết: “Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu”. Một dòng sông, một ngọn núi, hay những người muôn năm cũ, tất cả như đều cất lên tiếng gọi cho bước chân ta về an trú giữa vành nôi ân nghĩa, nặng nợ tình thâm.
Và tháng giêng còn in mãi dáng mẹ tiễn con đi trong bảng lảng mưa bụi, giọt thương ngân ngấn loang nhòe khóe mắt, vòng ôm trước lúc chia xa thổn thức một lời hẹn quay về…
Trần Văn Thiên
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/thang-gieng-que-2224431/
Bình luận (0)