Phát biểu tại nghị trường, PGS Phạm Khánh Phong Lan nói rất trăn trở khi ngày xưa thắng trận tổ chức mừng công, nay đất nước thắng Covid-19 lại phải “thay tướng”.
“Với tư cách người dân, tôi suy ra như thế là thất bại”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban An toàn thực phẩm TP HCM) nói khi góp ý vào báo cáo giám sát chuyên đề huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiều 29/5.
Đồng tình với chủ trương chống tiêu cực, nhưng bà Phong Lan cho rằng ngành y tế chưa được quan tâm đúng mức để mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu chống dịch trước đây và sau này. “Xây dựng ngành y tế thực hiện rất chậm nhưng lại chỉ tập trung vào chống, như bệnh nhân thập tử nhất sinh thay vì được bồi bổ nâng cao thể trạng thì lại cắt bỏ phần hoại tử, cho dùng thuốc mạnh, thì chắc chắn sẽ chết”, bà ví von.
Theo bà Phong Lan, nhiều cán bộ ngành y vướng vòng lao lý sau đại dịch là cái giá quá lớn. Do đó, báo cáo giám sát của Quốc hội cần đi vào thực tế để ứng phó tốt hơn với đại dịch có thể bùng phát trong tương lai. “Tôi lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu dịch bệnh quay trở lại, không chỉ riêng dịch Covid-19”, bà Lan nói, đề nghị phải có cơ chế bảo vệ người làm việc, bởi y tế là chuyên môn kỹ thuật, không thể dùng khẩu hiệu.
Đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh), đề nghị khi xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong huy động nguồn lực và phòng chống Covid-19 cần đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Trước hết, cần cụ thể hóa chủ trương đã được Quốc hội yêu cầu là với nhiệm vụ phòng chống dịch đã thực hiện theo Nghị quyết 30 (về một số giải pháp cấp bách trong phòng chống Covid-19) thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác, cần được đối chiếu, áp dụng theo quy định đặc thù của nghị quyết này.
“Cần đánh giá công tâm, khách quan thấu tình, đạt lý đối với các sai phạm và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu trong chống dịch. Có những vi phạm nếu chỉ căn cứ vào các quy định đơn thuần về trình tự, thủ tục khách quan trong lúc nước sôi, lửa bỏng thì cần gói lại để hệ thống tiếp tục được vận hành”, ông An nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) cũng cho rằng dù đất nước đã đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19, nhưng lại mất nhiều cán bộ.
“Mất cán bộ là mất mát lớn nhất. Tôi đề nghị với những người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng, sức khỏe nhân dân, trong bối cảnh cấp bách mà pháp luật chưa có quy định, hoặc quy định chưa rõ, không thể thực hiện được thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý”, bà Xuân nói.
Theo bà, việc xem xét đánh giá vấn đề này không chỉ là đúng sai theo quy định pháp luật mà còn thể hiện đạo lý, tình người, cụ thể hóa kết luận của đảng về bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Sau đại dịch Covid-19, hàng loạt cán bộ từ trung ương đến địa phương đã bị kỷ luật, xử lý sự, chủ yếu liên quan đến hai vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu. Trong vụ Việt Á, tháng 6/2022, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã bị khai trừ Đảng, sau đó bị cách chức, khởi tố, tạm giam. Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Ở địa phương, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng bị khởi tố, tạm giam.
Với vụ chuyến bay giải cứu, tháng 4/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ trong khi thực hiện “chuyến bay giải cứu”. Tám tháng sau, Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng bị bắt. Nhiều đại sứ Việt Nam ở nước ngoài bị khởi tố, kỷ luật.
Viết Tuân – Sơn Hà