Đưa đến những xúc cảm không quên
“Bài ca không quên” là câu chuyện kể về những con người đã đi qua mất mát của chiến tranh. Ngay từ những ca từ đầu tiên của bài hát “Bài ca không quên”, người nghe đã cảm thấy lắng đọng bởi những ca từ gây ấn tượng rất mạnh. Mỗi lần bài hát vang lên, người nghe bồi hồi chìm đắm vào những kỷ niệm oai hùng của đất nước trong quá khứ và day dứt hơn với trách nhiệm của mình: “Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên/Có một bài ca không bao giờ quên, là lời mẹ ru con đêm đêm/Bài ca tôi không quên, tôi không quên, tháng ngày vất vả/Bài ca tôi không quên, tôi không quên, gót mòn hành quân hối hả/Làm bạn cùng trăng ngồi ôm súng ngắm sao khuya…”.
Ba tiếng “tôi không quên” cứ lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong bài, rơi vào âm vực cao nhất cứ xoáy vào lòng người nghe như một sự đánh thức, nhắc nhở về nhân nghĩa, lẽ sống ở đời. Bắt đầu bài hát cũng bằng một câu thật ấn tượng: “Có một bài ca không bao giờ quên…” và được nhắc lại rất nhiều lần. Sự cố ý lặp lại này của nhạc sĩ chẳng những không hề nhàm mà còn khắc ghi vào tâm khảm người nghe những suy nghĩ, tình cảm sâu sắc, có sức nặng đáng kể…
Từ một bài hát trong phim, “Bài ca không quên” đã bay ra và lan tỏa, đọng lại trong tâm hồn công chúng hàng chục năm qua. Nhắc đến những bài hát viết về người lính, không thể không nhắc đến bài này. Đó quả là một viên ngọc quý báu, sáng giá trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam.
Ca khúc “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vang lên như một lời tự sự, tự vấn, tự trách mình, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người về một thời kỳ gian khó mà chúng ta không được phép lãng quên. Cùng với nỗi đau chung của một dân tộc đã trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc còn có nỗi đau riêng, đó là việc người con gái đầu lòng mới 6 tháng tuổi của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã buộc phải rời xa sự sống để cứu nhiều chiến sĩ tại khu vực giáp ranh với Tây Ninh…
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tên thật là Phạm Văn Thành, quê Nam Định, sinh năm 1942 ở Campuchia. 18 tuổi ông về nước gia nhập Đoàn văn công Giải phóng, trực tiếp chiến đấu, nếm trải nhiều gian khó trên các chiến trường Nam Bộ. “Bài ca không quên” là bài hát viết cho bộ phim cùng tên của cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông khởi chiếu vào năm 1982. Thế nhưng, “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã vượt ra khỏi bộ phim, trở thành ca khúc sống mãi cùng năm tháng.
Cuốn nhật ký viết bằng âm nhạc
Sẻ chia về hoàn cảnh lịch sử, lý do sáng tác “Bài ca không quên”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho biết, trong suốt những năm tham gia chiến trường, ông phải chứng kiến nhiều sự hy sinh của đồng đội, đồng chí, đồng bào của mình. “Bài ca không quên”, nhạc sĩ viết cho tất cả sự hy sinh của những người con anh dũng vì Tổ quốc. Rất nhiều hoàn cảnh đau thương trong chiến tranh mà chỉ nghe kể lại thôi, chúng ta phải soi mình trong đó, để hiểu có hòa bình hôm nay, chúng ta đã mất nhiều mồ hôi, nước mắt và tính mạng, nên “tôi không quên, không thể nào quên”.
Thời “không quên” ấy không chỉ là những kỷ niệm đẹp mà còn là nhiều ký ức đau đớn vì mất mát bởi chiến tranh. Bởi với ông, “Bài ca không quên” như một cuốn nhật ký bằng âm nhạc ghi lại những năm tháng hào hùng của ông và đồng đội. Ca từ và giai điệu như một lời tự sự, tự vấn, tự trách mình, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người về một thời kỳ gian khó mà chúng ta không được phép lãng quên.
Chiến tranh đã qua đi từ lâu trong niềm vui chiến thắng và niềm tự hào của dân tộc, nhưng những nỗi đau khôn cùng do chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã đưa tất cả những nỗi niềm, tình cảm ấy vào trong tác phẩm của mình, tự sự với chính bản thân mình về những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ấy. Tác phẩm là những lời ca chứa đựng tâm trạng day dứt, những cảm xúc mãnh liệt. Có những điều tưởng đã quên đi nhưng lại gắn chặt vào tiềm thức của ông với một tâm hồn chất đầy kỷ niệm và tâm trạng được chi phối bởi nhiều cung bậc tình cảm vui, buồn khác nhau.
Bài hát để lại những thông điệp sâu sắc
Theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thì ca khúc “Bài ca không quên” chính là lời nhắc nhở ông cùng những đồng đội may mắn được trở về sống trong hòa bình hãy sống xứng đáng với những người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Ông nhớ lại những kí ức hào hùng, từng lưng đeo ba lô, vai mang súng vào sinh ra tử trên khắp chiến trường miền Nam…
Thông điệp bình dị và thiêng liêng mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã gửi gắm và muốn gửi gắm, nhắc nhở những thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên trong thời bình là cần phải biết nỗi đau của chiến tranh và phải biết trân quý nền hòa bình, cái ý nghĩa của độc lập, thống nhất non sông, cái tình của đồng đội, đồng chí, đồng bào mỗi khi nhắc đến sự kiện ngày 30/4 hàng năm.
Thế hệ trẻ sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, được may mắn hưởng thụ giây phút bình yên đừng bao giờ quên tất cả những gì mà cha ông mình đã gian khổ chiến đấu cho quê hương, đã dũng cảm hy sinh cho đất nước, để tưởng nhớ và tri ơn, để đừng bao giờ quên những ký ức hào hùng, thiêng liêng ấy. Trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam, có những được – mất trong cuộc đời riêng hòa quyện với niềm vui, nỗi đau chung để làm nên những khúc hát nồng ấm tình người, tình đất nước.
Có những bài ca vừa sâu nặng một ký ức bi hùng, vừa bừng sáng niềm tin khát vọng không chỉ của thế hệ từng làm nên lịch sử, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với “Bài ca không quên”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã hát lên với cả lòng mình, hát cho quê hương, cho đồng đội và cho những người thân yêu của ông.