Các dữ liệu cho thấy mức nhiệt trong ba tuần đầu tháng 7-2023 cao chưa từng thấy trong lịch sử thế giới cách đây vài ngàn năm, thậm chí là 100.000 năm.
Tháng 7-2023 có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới và có thể là tháng nóng “chưa từng thấy” trong hàng nghìn năm qua. Đây là nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU).
Trong cảnh báo đưa ra ngày 27-7, hai cơ quan trên lưu ý rằng ba tuần đầu tháng 7-2023 đã ghi nhận nền nhiệt trung bình toàn cầu cao hơn bất kỳ giai đoạn nào được chọn để so sánh.
WMO và C3S nhận định nhiều khả năng tháng 7-2023 sẽ là tháng nắng nóng nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận hồi những năm 1940 đến nay.
Theo ông Carlo Buontempo – giám đốc C3S, nền nhiệt trong giai đoạn nói trên cao “đáng kể” và chênh lệch so với các thời kỳ được so sánh lớn đến mức các nhà khoa học cho rằng các kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ ngay cả trước khi kết thúc tháng 7.
Ông Buontempo nói thêm rằng các dữ liệu chính thức mới nhất và dữ liệu trong quá khứ cho thấy mức nhiệt trong giai đoạn 3 tuần đầu tháng 7 nói trên có thể “chưa từng thấy trong lịch sử thế giới cách đây vài ngàn năm”, thậm chí là 100.000 năm.
Trong tháng 7 này, nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở nhiều nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ, kèm theo đó là các vụ cháy rừng trên khắp Canada và nhiều nước Nam Âu.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo nắng nóng cực đoan kéo dài sẽ trở thành mô hình khí hậu của thế giới trong tương lai.
“Thật đáng buồn là biến đổi khí hậu đã gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trên thế giới trong tháng 7 này và hình thái thời tiết này sẽ tăng mạnh trong tương lai”, ông nói.
Kể từ cuối những năm 1800, thế giới đã chứng kiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên khoảng 1,2 độ C. Mức nhiệt này đang gia tăng ở quy mô và tần suất lớn hơn do con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Kèm theo những đợt sóng nhiệt như vậy là sự gia tăng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão và lũ lụt.
Mới đây, theo nhận định của nhóm các nhà khoa học thuộc World Weather Attribution – tổ chức chuyên đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, những đợt nắng nóng gay gắt nói trên ở châu Âu và Bắc Mỹ “gần như không thể xảy ra” nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo C3S, tháng nóng nhất được ghi nhận trước đây là tháng 7-2019. Dự kiến vào đầu tháng 8 tới, C3S sẽ công bố dữ liệu cuối cùng liên quan đến những nhận định về khí hậu thế giới.
tuoitre.vn