Tự hào là nơi in dấu chân của Người
Đang công tác tại Trung tâm Chính trị Phan Thiết, giảng viên Ngô Minh Đăng Trâm đã nhiều lần đến Trường Dục Thanh, nhưng mỗi lần đến đây lại có một cảm xúc khác nhau. Cô Đăng Trâm cho biết, do đặc thù của công tác, nên kết thúc mỗi khoá học, cô thường đưa các học viên đi thực tế tại Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ đã dừng chân dạy học.
“Tôi thấy vinh dự khi mình là người dân TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nơi Bác Hồ đã từng dừng chân dạy học trong khoảng thời gian ngắn, để lại cho người dân nơi đây bài học tấm gương đạo đức và cuộc sống giản dị của Bác Hồ – vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trong tôi cảm xúc rất dâng trào và vui mừng khi mình là con cháu nối tiếp và được học hỏi sự gần gũi ở Bác Hồ”, giảng viên Ngô Minh Đăng Trâm cho biết.
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trên đất nhà thờ họ Nguyễn ở làng Thành Đức (ngày nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết), cạnh dòng sông Cà Ty.
Năm 1910, trên con đường tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Tại đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành truyền đạt cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương con người.
Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Rồi sau đó, ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến những năm 1978-1980 Trường Dục Thanh đã được phục chế, tôn tạo như lúc thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở đây.
Đến nay, đã hơn 113 năm ngày Người rời mái trường này nhưng những kỷ vật ở Trường Dục Thanh xưa, nay là Khu di tích Dục Thanh vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Ngoài lớp học với mái ngói đơn sơ được bao bọc bởi 4 bức tường gỗ giản dị, hiện Khu Di tích Dục Thanh còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật quý giá về Người như: bộ bàn ghế Bác ngồi giảng bài, bộ trường kỷ Bác ngồi, chiếc án thư, nhà Ngư nơi Bác sinh hoạt…
Ðến với Khu di tích Dục Thanh, khách tham quan đều có tâm trạng bồi hồi cảm xúc và nỗi niềm nhớ Bác. Và khi được nhìn thấy, được nghe giới thiệu về những di tích, những hiện vật cùng những sinh hoạt đời thường, du khách như hiểu thêm về phong cách sống giản dị của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.
Có chuyến về Phan Thiết để tham quan, Lê Đăng Khoa – sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cùng nhóm bạn đến Trường Dục Thanh để tìm hiểu thêm về Bác: “Trong những giờ học lịch sử, em cũng có biết ngoài hoạt động cách mạng, Bác cũng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đó là Bác đã tham gia công tác giảng dạy tại Trường Dục Thanh ở TP. Phan Thiết. Đến đây em cũng đã hiểu biết thêm rất nhiều về hoạt động, việc làm của Bác trong thời gian giảng dạy tại Trường Dục Thanh này. Qua đó cảm thấy mình yêu quê hương, đất nước hơn và càng ngưỡng mộ Bác Hồ hơn”.
Điểm đến không thể bỏ qua của du khách
Tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam lại được sống trong không khí kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ với tất cả tấm lòng kính yêu và biết ơn vô hạn. Vì thế, du khách đến tham quan Khu di tích Dục Thanh cũng đông hơn.
Để người dân và du khách trong và ngoài nước biết thêm về hoạt động đời thường của Bác Hồ, trong những ngày qua, tại Khu di tích Dục Thanh đã triển lãm ảnh với chủ đề “Cuộc sống đời thường của Bác Hồ”.
Triển lãm tập trung giới thiệu hơn 40 ảnh tư liệu về những hình ảnh đời thường, những khoảnh khắc bình dị lúc sinh thời của Người như: Chủ tịch Hồ Chí Minh chia kẹo cho các cháu thiếu nhi trong buổi gặp mặt đầu năm mới tại Phủ Chủ tịch năm 1955; Chủ tịch Hồ Chí Minh chẻ củi ở Chiến khu Việt Bắc; Chủ tịch Hồ Chí Minh bón cơm cho cháu bé tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951; Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở giàn hoa Phủ Chủ tịch năm 1957… Triển lãm giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều tư liệu, hiện vật quý giá để tìm hiểu, cảm nhận sâu sắc hơn về cốt cách, bản lĩnh, cuộc sống bình dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoạt động trên cũng thu hút khá đông du khách nước ngoài.
Bà Ruzh Ingamells, một du khách đến từ Vương quốc Anh chia sẻ: “Theo tôi thấy thì người Việt Nam rất tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã giúp đem lại sự tự do và độc lập, tạo cảm hứng cho các dân tộc trên thế giới. Ông còn là một thầy giáo dạy những thanh niên và giáo dục họ về niềm tự hào dân tộc. Điều này rất quan trọng với người Việt Nam”.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, ngoài du khách trong và ngoài nước, mỗi năm Khu di tích Dục Thanh đón rất nhiều trường học, các cơ quan, đơn vị tổ chức dâng hương, báo công lên Bác, nhất là vào các ngày lễ lớn của dân tộc.
Từ đầu năm đến nay, đã có 923 đoàn đến tham quan Bảo tàng với 63.757 lượt người, đạt hơn 51% kế hoạch năm 2024. Trong đó, có 132 lượt khách nước ngoài, gồm: Pháp, Bỉ, Mỹ, Hy Lạp, Đan Mạch,… Bảo tàng cũng đã phục vụ 130 lễ viếng, tuyên dương, báo công, kết nạp Đảng, hội trại tòng quân, lễ rước đuốc, sinh hoạt chuyên đề, xem phim tư liệu…
Bà Nguyễn Thị Thu Nga – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Thuyết minh Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận cho biết thêm: “Ngoài việc đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan Khu di tích Dục Thanh chúng tôi còn tổ chức triển lãm ảnh về cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để cho du khách khi đến đây hiểu rõ thêm về thời gian Bác dừng chân và dạy học tại đây với tư cách là người thầy giáo. Chúng tôi cũng giới thiệu nét đẹp của quê hương, con người Bình Thuận cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Khu di tích Dục Thanh”.
Trường Dục Thanh, nơi in dấu thầy giáo Nguyễn Tất Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân Bình Thuận mà còn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách và ngoài nước khi đến với vùng đất này.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/thang-5-ve-tham-ngoi-truong-duc-thanh-post1095942.vov