1. Bác đã đi xa nhưng trong ký ức của nhiều người, hình ảnh Bác luôn sống mãi. Thực hiện lời dạy của Bác đối với ngành Y, mỗi thầy thuốc tích cực học tập, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cũng như trách nhiệm với bệnh nhân. Bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ bệnh nhân “nở rộ” trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chị Lê Kim Thịnh tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Gắn bó 20 năm với Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An, chị Lê Kim Thịnh (SN 1980), công tác tại Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS luôn nỗ lực trong công tác chuyên môn, cùng đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chị Thịnh chia sẻ, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS có nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; quản lý tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại địa phương; thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện và chủ động phòng, chống dịch; thu thập thông tin, số liệu, lập bản đồ, biểu đồ dịch tễ theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh;… Vì vậy, không chỉ làm việc tại cơ quan, chị còn thường xuyên đi cơ sở, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như tuyên truyền, định hướng xử lý kịp thời đối với các loại ổ dịch xảy ra trên địa bàn.
Chị Thịnh kể, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ riêng chị mà hầu hết cán bộ, nhân viên ngành Y tế đều dốc sức cho công tác phòng, chống dịch. Khi ấy, chị thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, kết hợp các đơn vị liên quan điều tra xác minh, truy vết các trường hợp trở về từ vùng dịch; làm đầu mối liên hệ vận chuyển đưa rước người dân đi cách ly,… “Lúc đó, những áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai nhân viên y tế nhưng chúng tôi luôn tâm niệm đã chọn nghề thì phải cống hiến, phải hoàn thành vì đây là trách nhiệm” – chị Thịnh nói.
Huyện Bến Lức cũng là địa phương ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Từ năm 2022 đến nay, chị Thịnh luôn chủ động lập kế hoạch, tham mưu triển khai nhiều đợt chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phát thanh tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, chị còn kết hợp các đội chống dịch địa phương xử lý nhanh các ổ dịch sốt xuất huyết nếu có xảy ra. Ngoài ra, theo chủ trương của tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, chị kết hợp ban, ngành, đoàn thể, địa phương góp phần thực hiện xong hoạt động loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện vào tháng 10/2022.
Với sự nỗ lực bền bỉ qua nhiều năm, chị được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021; 5 năm liền là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2022; là 1 trong 3 cá nhân được huyện giới thiệu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2023.
2. Thờ ảnh, tượng Bác Hồ là nét đẹp văn hóa trong hầu hết các gia đình Việt. Ngoài lễ giỗ Bác được tổ chức long trọng, thể hiện tấm lòng hiếu kính, nhiều gia đình còn lập bàn thờ Bác hoặc treo ảnh Bác để răn dạy con, cháu học tập và làm theo gương Người.
Tuổi trẻ trong tỉnh tặng cờ, ảnh Bác cho hộ dân
Bàn thờ Bác Hồ thường được lập tại nơi trang trọng nhất trong gia đình. Có nhà lập chung với bàn thờ gia tiên, có nhà lại đặt bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ gia tiên,… Đây không chỉ là hành động, thói quen, phong trào mà còn là một nét đẹp văn hóa của người dân. Mỗi ngày, nhìn hình ảnh Bác với đôi mắt sáng, nụ cười hiền, mái tóc bạc quen thuộc, mọi người tự dặn mình phải sống đẹp, làm việc thiện, phải chăm chỉ, cần cù hơn để xứng đáng với những điều di huấn của Người trước lúc đi xa.
Ông Hoàng Minh Trường lập bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong căn nhà của Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Bình Cư 3, phường 6, TP.Tân An – Hoàng Minh Trường dành một không gian rộng, chỉ để đặt bàn thờ Bác Hồ, sau này có thêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cạnh bàn thờ cha mẹ ruột và cha vợ của ông.
Ông Trường cho rằng, tuy Bác ra đi nhiều năm nhưng trong ký ức của người dân, hình ảnh Bác luôn sống mãi. Ðặc biệt là vào dịp sinh nhật Bác, nhiều người lại có những việc làm thiết thực để tưởng nhớ Bác, riêng gia đình ông thì chuẩn bị hoa, trái cây dâng lên bàn thờ của Bác.
Ông Trường xúc động nói: “Tôi là Bộ đội Cụ Hồ, từng tham gia cách mạng, được nghe nhiều câu chuyện về Bác nên rất kính trọng Người. Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tôi đã thờ Bác trong nhà. Thờ Bác để nhớ Bác, noi gương Bác, thường xuyên nhìn lại những việc mình đã và đang làm, từ đó làm tốt hơn và làm gương cho con, cháu,…”.
Không chỉ dịp lễ, tết, vào mùng một và ngày rằm, nhà ông đều thắp hương lên bàn thờ Bác. Đặc biệt, Ngày Quốc khánh (02/9) cũng nhằm ngày giỗ Bác, gia đình ông còn cúng giỗ như cúng gia tiên. Đối với mỗi thành viên trong gia đình ông, bàn thờ Bác luôn có ý nghĩa thiêng liêng. Khi có việc trọng đại hoặc chuẩn bị đi đâu, ông thường thắp hương để cầu mong Bác phù hộ sự may mắn và bình an cho cả gia đình.
Ông Trường chia sẻ: “Chúng ta sống no ấm, tự do như bây giờ là nhờ có Bác Hồ. Bác là vị cha chung, chúng tôi lập bàn thờ Bác để nhớ, biết ơn và noi theo Bác. Vợ chồng, các con, cháu tôi xem Bác như người thân trong nhà mình đã mấy chục năm qua”.
Đối với ông Trường, việc lập bàn thờ Bác Hồ không chỉ gửi gắm tấm lòng hiếu kính mà còn có ý nghĩa giáo dục con, cháu về cách sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là việc làm đúng đắn đang được các hộ dân trong tỉnh thực hiện.
Thờ ảnh Bác là việc làm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Đặc biệt, việc treo ảnh, lập bàn thờ Bác trong nhà đã giúp thế hệ trẻ hiểu và tri ân công lao to lớn của tiền nhân. Khắc ghi công lao to lớn của Người, dâng lên Bác với tất cả lòng thành kính,… để mọi người cùng học tập, có những việc làm thiết thực đối với gia đình, xã hội, góp phần xây dựng quê hương./.
Như Nguyệt