Sáng 24/4, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thẩm tra nhóm Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và số nội dung quan trọng khác. Đồng chí La Văn Hồng, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo; lãnh đạo một số sở, ngành.
Phiên họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 28/NQ- HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về việc phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2023 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo tờ trình Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 9,72%/ năm; GRDP bình quân khoảng 102 triệu đồng/người; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân trên 12%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn bình quân cả giai đoạn đến năm 2030 tăng trên 20%. Về phương án tổ chức không gian hoạt động kinh tế – xã hội, tỉnh phân thành 3 vùng liên huyện: vùng trung tâm (vùng I) gồm: Thành phố, huyện Hòa An, Hà Quảng là vùng động lực phát triển của tỉnh, cơ cấu kinh tế phát triển mang tính tổng hợp và chất lượng cao; vùng miền Đông (vùng II) gồm các huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An với đặc trưng kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản; vùng miền Tây (vùng III) gồm các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tạo nền tảng phát triển bền vững.
Phương án phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, đến năm 2025 tỷ lệ đô thị đạt 29,9%, đến năm 2030 đạt 44%. Đến năm 2030, thành phố Cao Bằng trở thành đô thị loại II. Đây là nội dung quan trọng, các đại biểu cho rằng cần có tầm nhìn chiến lược và quy hoạch lâu dài về quốc phòng – an ninh, làm rõ và rà soát về đất quốc phòng – an ninh trong tổng diện tích đất của giai đoạn; làm rõ mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng che phủ rừng; phân bố không gian phát triển nông nghiệp tập trung vào các loại cây trồng đặc hữu và nông nghiệp công nghệ cao; quan tâm làm rõ về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Về Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 80/NQ-HĐNDN ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2023 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2023. Các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo các nghị quyết; cho ý kiến cụ thể đối với các dự thảo nghị quyết, đề nghị bổ sung cụ thể danh mục các dự án cần điều chỉnh, sửa đổi phù hợp, đảm bảo theo đúng kế hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần bổ sung bản đồ hiện trạng rừng tại khu tái định cư khu đô thị mới Thành phố…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng đề nghị các sở, ngành với sự chỉ đạo của UBND tỉnh tiếp tục rà soát nội dung chi tiết, nội dung chính, lĩnh vực ngành quan trọng cần đầu tư trong thời gian tới với 9 nhóm ngành nghề, danh mục dự án trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện phải đưa vào đủ tránh tình trạng thiếu và xin bổ sung. Về đất đai phân bổ chỉ tiêu, trước mắt các dự án, chương trình từ nay đến năm 2025 phấn đấu sử dụng đủ và hoàn thành, giai đoạn tiếp theo đề nghị bổ sung thêm. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành bổ sung đưa vào đủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 28/NQ-HĐND và Nghị quyết số 80/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, cần làm rõ các nội dung điều chỉnh và bổ sung, quan tâm khẳng định được kết quả về giải ngân vốn.
Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung báo cáo, dự thảo các nghị quyết trình Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Diệu Hoa