Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Cử tri nhiều tỉnh, thành phản ánh về tình trạng tham nhũng vặt, đề nghị có giải pháp ngăn chặn.
Theo đó, trong quá trình sinh sống và làm việc ở địa phương, người dân nhiều lần phải đến cơ quan công quyền thực hiện thủ tục hành chính. Những dịch vụ công này thường có quy định, quy trình và biểu giá rõ ràng.
Tuy nhiên, một bộ phận công chức, viên chức cố tình gây khó khăn nhằm “vòi vĩnh”. Đây là hành vi tham nhũng vặt, làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người nghèo, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, khiến các nhà đầu tư nản lòng và người dân mất niềm tin vào chính quyền cơ sở.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi tham nhũng vặt; ưu tiên thực hiện ở một số lĩnh vực có nhiều ảnh hưởng đối với người dân và doanh nghiệp.
“Có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh“
Thanh tra Chính phủ cho hay, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các sai phạm đều bị xử lý theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự, với phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu.
Cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
Đáng chú ý, có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng…
Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, nạn tham nhũng vặt đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Trước thực tế trên, sau khi Quốc hội thông qua luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Thủ tướng cũng ban hành các chỉ thị, công điện về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp cũng như phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ…
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cùng thanh tra các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ trên phạm vi cả nước nhằm đánh giá thực trạng thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm (nếu có).
Kiên quyết đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực
Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, thời gian tới, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Một nội dung nữa là tăng cường, tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín.
Cùng với đó, củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng (thể chế, chính sách), công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực…