(Dân trí) – Không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc bình yên, thơ mộng, Tổ đình Từ Hiếu – một danh lam cổ tự của vùng đất Cố đô Huế còn được nhiều người biết đến với giai thoại kể về tấm lòng hiếu thảo.
Tổ đình Từ Hiếu, tọa lạc trên ngọn đồi Dương Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế), đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước qua nhiều năm. Đặc biệt dịp Rằm tháng 7 Vu lan báo hiếu, dòng du khách đổ về đông đúc không chỉ để viếng lễ Phật và tận hưởng không khí trong lành, mà còn để lắng lòng trước giai thoại hiếu hạnh của vị tổ sư khai lập.
Theo sử sách, Tổ đình Từ Hiếu ban đầu chỉ là một thảo am với tên gọi An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên vào năm 1843. Ngài vừa tu hành vừa lo chăm sóc mẹ già.
Năm 1848, Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ đã xây dựng quy mô lớn với sự yểm trợ của triều đình và các vị thái giám. Sau đó, vua Tự Đức ban bức hoành “Sắc tứ Từ Hiếu tự”, nhằm ca ngợi lòng chí hiếu của Tổ sư Nhất Định.
Câu chuyện cảm động khởi nguồn từ chốn thiền môn về đạo hiếu ấy đã trở thành một biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với những bậc sinh thành.
Trải qua quá trình tồn tại, các thế hệ sư thầy tiếp tục trùng tu, xây dựng, tôn tạo cảnh sắc làm cho ngôi chùa trở nên vừa cổ kính, vừa tự nhiên, thơ mộng và độc đáo. Ngôi cổ tự này trở nên nổi tiếng hơn kể từ khi thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về đây an dưỡng những năm cuối đời trước khi viên tịch.
Ngôi chánh điện Tổ đình Từ Hiếu.
Khung cảnh bình yên, thơ mộng bên trong khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu.
Từ Hiếu có nghĩa: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. Hiếu là hạnh đầu của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”.
Thời gian qua, Tổ đình Từ Hiếu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Cổng tam quan, lối dẫn vào Tổ đình Từ Hiếu với nét rêu phong, cổ kính.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/van-hoa/tham-ngoi-co-tu-noi-tieng-voi-giai-thoai-hieu-thao-giua-mua-vu-lan-20240818000846249.htm