Ít nhất 5 người đã thiệt mạng trong vùng nước băng giá ngoài khơi một bãi biển ở miền Bắc nước Pháp vào sáng sớm ngày 14/1 khi họ cố gắng vượt Eo biển Manche/Eo biển Anh để đến Vương quốc Anh.
Những người thiệt mạng được tìm thấy gần một bãi biển ở thị trấn Wimereux sau khi thuyền của họ “được thông báo gặp bất trắc ở gần đó” vào khoảng 1h45 sáng ngày 14/1 giờ địa phương và một số hành khách đã cố gắng vào bờ, cơ quan hàng hải Pháp cho biết trong một tuyên bố.
Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi thảm kịch trong những năm gần đây. Cái chết và công tác cứu hộ trong bóng tối và cái rét lạnh của băng giá mùa đông một lần nữa làm nổi bật mối nguy từ hành trình vượt biển của người di cư từ Pháp sang Anh. Nó cũng cho thấy sự bất lực của chính phủ ở cả đôi bờ “eo biển tử thần” về ngăn chặn những nỗ lực vượt biển liều lĩnh.
Giấc mơ chìm theo con nước
Hơn 30 người đã được giải cứu, 2 người trong số này đang trong tình trạng nguy kịch, tuyên bố cho biết. Tuyên bố cho biết chi tiết hơn rằng một người được phát hiện bất tỉnh và phải nhập viện ở cảng Boulogne-sur-Mer của Pháp, còn một người khác bị “hạ thân nhiệt nghiêm trọng”.
Theo cơ quan hàng hải, hơn 30 người đã được cứu, nhưng một nguồn tin giấu tên nói với AFP rằng khoảng 70 người di cư đã được đưa đến vào khoảng 3h sáng, bao gồm “toàn bộ gia đình có trẻ em, một số còn rất nhỏ”.
“Một số người sống sót đã không ở lại và nói với chúng tôi rằng họ muốn đến ga xe lửa Dunkirk để đến trung tâm lưu trú ở Armentieres”, nguồn tin cho biết thêm.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Pháp đã triển khai một số tàu trong khu vực để tiếp tục tuần tra trên biển và tìm kiếm xem liệu còn có người nào vẫn trôi dạt.
Cơ quan chức năng Pháp không xác định được danh tính những người thiệt mạng cũng như không cho biết họ đến từ đâu và cũng không nêu rõ nguyên nhân cái chết. Hiện chưa rõ con tàu đang gặp khó khăn gì. Các công tố viên địa phương đã mở một cuộc điều tra.
Cơ quan hàng hải Pháp cho biết điều kiện vượt biển đã được cải thiện sau nhiều ngày thời tiết xấu, nhưng nhiệt độ nước ở Eo biển Manche là khoảng 9 độ C. Họ cũng lưu ý rằng Eo biển Manche là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, với hơn 400 tàu thương mại mỗi ngày.
“Đây là một khu vực đặc biệt nguy hiểm, đặc biệt là vào giữa mùa đông, đối với những chiếc thuyền chở quá tải, bấp bênh”, cơ quan này – phụ trách khu vực Kênh đào Anh và Biển Bắc – cho biết.
Theo cơ quan hàng hải Pháp, một chiếc tàu kéo do Hải quân Pháp thuê đã không thể đến gần tàu di cư hôm 14/1 vì nước quá nông, nhưng họ đã triển khai một chiếc thuyền bơm hơi cứng để vớt một số người trên biển và thả họ trên bãi biển. Những người di cư khác đã được lực lượng an ninh Pháp hoặc trực thăng hải quân giải cứu.
Hàng chục người đã thiệt mạng vào năm ngoái khi cố gắng vượt qua khu vực này, cơ quan chức năng Pháp cho biết. Trong những năm gần đây, năm 2021 ghi nhận số lượng người thiệt mạng nhiều nhất là 27 sau khi thuyền của họ bị lật trong một lần vượt biển.
Phần nhiều trong số những người cố gắng đánh cược mạng sống của mình để đến Vương quốc Anh đã chạy trốn khỏi những khó khăn kinh tế và bạo lực ở quê nhà ở Trung Đông hoặc châu Phi hoặc đi tìm những “đồng cỏ xanh hơn” cho giấc mơ đổi đời.
Họ thường tập trung trong các trại nhỏ tạm bợ trên bờ biển phía Bắc nước Pháp trước khi cố gắng vượt Eo biển Manche bằng những chiếc xuồng nhỏ hoặc trốn trên xe tải đi qua Đường hầm Eo biển Anh (Channel Tunnel).
Vấn đề nhức nhối
Theo Bộ Nội vụ Anh, các vụ vượt biển đã giảm 36% vào năm ngoái với hơn 26.000 nỗ lực như vậy đã bị ngăn chặn.
Mặc dù vụ việc hôm 14/1 xảy ra ở phía đường thủy của Pháp và Lực lượng bảo vệ bờ biển Anh không có liên quan, nhưng thảm kịch xảy ra vào thời điểm vấn đề người di cư đến Anh bằng thuyền nhỏ đang ngày càng gia tăng trong các thông điệp chính trị ở nước này.
Tuần qua, các nhà lập pháp Anh đã chuẩn bị tranh luận về dự luật gây tranh cãi nhằm cố gắng khôi phục kế hoạch của chính phủ nhằm trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda, điều mà Tòa án Tối cao ở Anh coi là bất hợp pháp vào năm ngoái.
Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết ngăn chặn những người di cư đến bằng thuyền nhỏ, vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những người xin tị nạn đến đất nước – và một con số thậm chí còn nhỏ hơn trong tổng số người di cư ở Anh – nhưng đã trở thành một vấn đề nhức nhối.
Phe bảo thủ coi việc răn đe là một trong những vấn đề hàng đầu của họ trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm nay. Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với truyền thông địa phương hôm 14/1: “Thật đau lòng khi nghe về điều đó, nhưng nó chỉ cho thấy chúng ta phải ngăn chặn những con thuyền, chúng ta phải chấm dứt hoạt động buôn bán người bất hợp pháp này”.
Chính quyền Anh và Pháp đã đồng ý vào năm ngoái rằng Anh sẽ trả cho Pháp hơn 600 triệu USD trong vòng 3 năm để giúp chi trả cho máy bay không người lái, một trung tâm tạm giữ mới và hàng trăm cảnh sát bổ sung để tuần tra các bãi biển ở miền Bắc nước Pháp. Đây là một trong nhiều thỏa thuận mà 2 quốc gia ở đôi bở “eo biển tử thần” đã đạt được trong vài năm qua để cố gắng giảm số lượng các vụ vượt biển.
Ông Cameron hôm 14/1 nhấn mạnh rằng “cuối cùng, cách duy nhất để có thể ngăn chặn những chiếc thuyền là phá vỡ mô hình buôn lậu người”, bằng cách đảm bảo rằng tuyến đường từ Pháp đến Anh “không hoạt động”.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho rằng mô hình tị nạn hiện tại của Anh đang thất bại và gây ra tổn thất lớn về người.
Bà Sonya Sceats, giám đốc điều hành của Freedom From Torture, một tổ chức từ thiện hỗ trợ những người xin tị nạn ở Anh, nói rằng chính những người sống sót và người tị nạn đang phải trả giá cho các chính sách hạn chế của Chính phủ Anh.
“Chúng ta rất cần một hệ thống tị nạn công bằng và nhân ái”, bà Sceats nói.
Minh Đức (Theo NY Times, Euronews)