Việt Nam là một quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu về hàng điện tử, công nghệ. Do đó, hành động của các nước lớn đều gây tác động đến Việt Nam.
Cuộc chiến bán dẫn Mỹ – Trung Quốc sẽ có những tác động tương đối đáng kể đối với Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/8 đã ký một sắc lệnh hành pháp, cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc. Sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Giới chức Mỹ khẳng định, các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia “nguy hiểm nhất” và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.
Trung Quốc ngay lập tức bày tỏ quan quan ngại sâu sắc và sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần tôn trọng quy luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không cản trở các hoạt động giao lưu-hợp tác kinh tế, không gây trở ngại cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở mảng chất bán dẫn và chip công nghệ cao đang nóng lên gây áp lực một vòng xoáy mới với chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, trong thời gian gần đây cũng tham gia tích cực vào chuỗi giá trị của ngành điện tử. Chính vì vậy, động thái của Mỹ – Trung Quốc sẽ có những tác động tương đối đáng kể đối với Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm vừa qua là ngành điện tử, thiết bị điện tử gặp những thách thức khá lớn. Lý do bởi Mỹ và châu Âu muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất về thiết bị điện tử.
Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp những khó khăn riêng, nên Việt Nam phải trông vào sức mình là chính.
“Các nước bây giờ phần lớn đều có trợ cấp để các tập đoàn công nghệ đầu tư các cơ sở sản xuất chip tại nước mình, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Tựu chung lại, Việt Nam nên trông vào nội lực của mình là chính”, ông Hùng kết luận.
Theo ông Hùng, có hai “dòng xoáy” rất lớn hiện nay và có tác động khác nhau đối với kinh tế Việt Nam là chính sách của Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc.
“Mỹ là nhà xuất khẩu chủ lực của nước ta. Về tương lai, nếu muốn tăng cường năng lực thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cấp công nghệ thì Mỹ cũng có thể là đối tác cần tập trung chiến lược. Mặt khác, Trung Quốc là đối tác lớn và truyền thống của Việt Nam, nên rất khó để nói bên nào hơn bên nào”, ông Hùng nhận định.