Hội nhập càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), bên cạnh lợi ích phát triển kinh tế, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức dài hạn và dai dẳng do dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Nội dung trên được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia GVC hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững” (CIECI 2023) do Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN tổ chức ngày 24/11/2023.
Hội thảo quốc tế CIECI 2023 thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế…
Đây là hội thảo lần thứ 11 trong chuỗi hội thảo thường niên về hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế (CIECI) được khởi xướng từ năm 2013. Hội thảo là kết quả phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam); Trường Đại học Adelaide, Úc; Trường Đại học Salento, Ý; Trường Đại học Rangsit, Thái Lan; Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chính Minh; Trường Đại học Ngoại Thương; Trường Đại học Sofia, Bulgari và Trường Đại học Saint-Louis – Bruxelles, Bỉ.
Theo PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, hiểu được chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi trong kỷ nguyên số và sự chuyển đổi này phù hợp với sự phát triển bền vững như thế nào sẽ giúp các quốc gia thích ứng với thực tế kinh tế mới và tìm ra chính sách cần thiết.
Theo PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN.
Đồng quan điểm, các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, trong thập kỷ qua khu vực Đông Á và Nam Á đã phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa với mức độ ngày càng gia tăng trong thương mại khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó những bất ổn gần đây như đại dịch COVID-19; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; chiến tranh quân sự Nga-Ukraine; áp lực lạm phát; đứt gãy GVC; suy thoái kinh tế khu vực và trên thế giới sẽ dẫn đến những chính sách hướng nội hơn, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng phân mảnh trong các thỏa thuận thương mại. Những thách thức này dẫn đến nhu cầu về cơ chế thương mại mới, sự thống nhất giữa các chính sách ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Mặt khác, tham gia sâu vào thương mại quốc tế và GVC mang lại sự phục hồi toàn diện cho các quốc gia, tạo ra sự phát triển ổn định và bền vững trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Song trong khoảng thời gian gần đây một số GVC đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Do vậy, các diễn giả CIECI 2023 không chỉ tập trung vào thực tiễn tham gia vào GVC mà còn chỉ ra những thách thức, rủi ro phát sinh trong quá trình này, mang lại những hàm ý chính sách cho chính phủ, các chiến lược quản trị ở doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự phục hồi và tính bền vững khi tham gia vào GVC.
Các diễn giả tham gia trao đổi trong phiên thảo luận bàn tròn
Tại các phiên song song của hội thảo diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, các chuyên gia đã mang tới những đánh giá về 5 nội dung: Chuyển đổi số và đổi mới trong GVC; Thực hành bền vững trong GVC; Các vấn đề về năng lực phục hồi và quản trị trong GVC; Mô hình, đặc điểm và chính sách của GVC và Dịch vụ hoá và phân tích cấp độ doanh nghiệp ở Đông Á.
Sách kỷ yếu của CIECI 2023
Hội thảo Quốc tế CIECI 2023 lần thứ 11 đã khép lại thành công, là mốc son đáng nhớ góp phần khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong việc mang lại những nghiên cứu giá trị cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước, các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học, thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, để phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Ngoài ra, việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Kinh tế là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Trường không ngừng nâng cao chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ khác nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường được xã hội biết đến như là một trường đại học trẻ, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế Trường đã và đang khẳng định được vị trí trong nước cũng như trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu. Với định hướng nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, trường triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao, được chuyển giao cho các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Với chiến lược quốc tế hóa giáo dục, Trường đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu nhằm đưa trường trở thành trung tâm tri thức của khu vực và toàn cầu. Vị thế và uy tín của Nhà trường đang dần được củng cố và nâng cao. Trường đã được ghi nhận là đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu đóng góp chính vào kết quả xếp hạng ĐHQGHN đứng top 450-500 thế giới ở lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu Quản lý do Bảng xếp hạng QS danh tiếng công bố vào năm 2022, cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xếp hạng. |
UEB