Tham gia đa dạng các FTA, hàng Việt tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nông sản trước nguy cơ sập bẫy lừa đảo thương mại quốc tế… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 4-6/8.
Các FTA đã nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt khi thâm nhập thị trường quốc tế. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị) |
Tham gia đa dạng các FTA, hàng Việt tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu
Việc Việt Nam ký kết, tham gia nhiều FTA đã giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, cán cân thương mại được cải thiện theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Theo Bộ Công Thương, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 15,23 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, trước đây, khi hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) chưa được ký kết, gạo Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu chịu thuế suất rất cao từ 5-45%. Trong khi đó, gạo của Lào, Campuchia, Myanmar… được EU cho chính sách đặc cách, được miễn thuế vì đây là những nước nghèo. Khi có EVFTA, doanh nghiệp ngành gạo có cơ hội cạnh tranh bình đẳng, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
Dưới góc độ là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của TP. Hà Nội, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn nêu rõ, các FTA đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chế biến thủy, hải sản tiếp cận được thị trường quốc tế. Đặc biệt, việc mở rộng thị trường xuất khẩu còn là cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch Covid-19.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc ký kết đa dạng các FTA giúp kinh tế Việt Nam thay đổi tích cực trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các xung đột kinh tế, chính trị. Đồng thời tạo cơ hội cho nông sản Việt giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Đặc biệt, FTA trở thành “đòn bẩy”, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, gắn liền với yếu tố xanh, sạch.
Mặc dù các FTA đã nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt khi thâm nhập thị trường quốc tế, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển thương mại quốc tế vẫn dựa vào các yếu tố bề rộng, thiếu sự đóng góp của các yếu tố chiều sâu như năng suất lao động, hàm lượng tri thức, công nghệ.
Để tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bền vững, mở rộng thị phần, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. “Đồng thời cần chuyên môn hóa vào các nhóm hàng đặc chủng mà khi nghĩ đến Việt Nam là người tiêu dùng bản địa nghĩ ngay tới các sản phẩm của chúng ta, ví dụ như giày dép bảo hộ, quần áo đi biển, quần áo trẻ em…”, bà Quỳnh đề xuất.
Để hàng Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tăng trưởng, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Để không bị loại khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của Việt trên trường quốc tế. “Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Gạo xuất khẩu Việt Nam “lập đỉnh”, cao nhất trong vòng 15 năm
Theo cập nhật mới nhất từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch 31/7-4/8, trên Sở Chicago, gạo thô kỳ hạn tháng 9 là mặt hàng nông sản duy nhất chốt tuần trong sắc xanh, với mức tăng 2,08% lên 313,96 USD/tấn.
Còn tại Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 04/08, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn.
Cùng với đó, gạo 25% tấn cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.
Sau khi chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta liên tục tăng mạnh từng ngày. Chỉ trong vòng nửa tháng, các mặt hàng gạo xuất khẩu trọng điểm đã tăng đến gần 100 USD/tấn.
Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cơ cấu nhập khẩu, Philippines tiếp tục là nhà mua hàng gạo lớn nhất của nước ta, chiếm 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm.
Theo sau là Trung Quốc, nhập khẩu hơn 16% và Indonesia chiếm 11,6% tổng lượng xuất khẩu. Thị trường châu Âu tuy chỉ đạt tỷ lệ nhỏ khoảng 2% nhưng vẫn tăng trưởng mạnh. Thị trường châu Phi thậm chí tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Nông sản trước nguy cơ sập bẫy lừa đảo thương mại quốc tế
Chiều 6/8, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đưa ra cảnh báo với cộng đồng doanh nghiệp trước lo ngại về lừa đảo thương mại quốc tế.
Thông tin nêu rõ, hiện có một nhóm đối tượng lừa đảo lập các trang web chuyên nghiệp (ví dụ: https://freshbazaar.co/, số điện thoại +971544584063) và hỏi nhiều mặt hàng như: trái cây, rau, gia vị, mật ong, hạt mè, hạt hướng dương, hồ tiêu, bơ, bột mì, trà, ngũ cốc, gạo, đường…
Do đó, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cần thận trọng với các đối tác, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, Dubai, UAE. Cần tiến hành xác minh đối tác, kiểm tra thông tin với các nhà xuất khẩu khác, xác minh ngân hàng, chọn lựa phương thức thanh toán an toàn… để tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc trong tình hình hiện nay một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo vẫn chưa giải quyết được.
Trước đó, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đã thông tin về lô hàng hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi giá trị hơn nửa triệu USD xuất khẩu sang Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bị nghi lừa đảo. Đến nay 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều đã được bên mua lấy ra khỏi cảng, trong khi bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa được nhận thanh toán. Còn 1 lô hàng hoa hồi được giữ tại cảng ở Dubai. Trong khi vụ việc trên còn chưa được xử lý thì những thông tin cảnh báo lại tiếp tục được đưa ra.
Bà Nguyễn Thị Huyền-Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, gia vị đến nhiều thị trường lớn trên thế giới) cho biết, sự lừa đảo chỉ diễn ra khi chúng ta tạo điều kiện cho nó.
Sau hạt điều, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tiếp tục đưa ra cảnh báo với cộng đồng doanh nghiệp trước lo ngại về lừa đảo thương mại quốc tế. (Nguồn: Báo Công Thương) |
“Với Vinasamex, khi chúng tôi bán hàng, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp đặt cọc. Việc đặt cọc này thể hiện cam kết khách hàng sẽ lấy hàng và mua hàng”, bà Nguyễn Thị Huyền cho hay.
Khi không yêu cầu khách hàng đặt cọc, cùng với việc sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ (D/P) hay thanh toán COD (cash on delivery) là một dịch vụ giao hàng thu tiền hộ được sử dụng phổ biến trong giao dịch mua bán hàng hóa. Việc này đâu đó đã tạo ra sự rủi ro và không an toàn cho giao dịch thương mại quốc tế.
Do đó, các doanh nghiệp cần nhìn ở 2 góc độ, 2 phía khác nhau. Nếu chúng ta làm chặt chẽ ngay từ đầu, yêu cầu khách hàng đặt cọc thì chắc chắn sự rủi ro này sẽ được giảm thiểu ngay từ đầu.
“Nếu chúng ta làm một sản phẩm thực sự tốt. Khách hàng thực sự cần sản phẩm này và họ mong muốn có sự hợp tác bền vững và lâu dài thì họ sẵn sàng chi ra khoản đặt cọc ban đầu”, bà Nguyễn Thị Huyền cho biết.
Một số lưu ý trong đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với đối tác Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ thông tin, làm ăn với các đối tác Ấn Độ “muốn nhanh cũng phải từ từ”. Các doanh nghiệp cần làm cẩn trọng từng bước một, không nên làm tắt.
Việc thẩm tra, xác minh doanh nghiệp có chính xác hay không là hết sức quan trọng. Bởi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang trao đổi qua các đối tác, trung gian mua hàng Ấn Độ, khi mọi thứ thuận lợi thì sẽ rất dễ dàng, nhưng khi có vấn đề gì thì việc tìm kiếm họ là rất khó khăn.
Khi nhận được đơn hàng, doanh nghiệp phải gửi email xác nhận xem có đúng là đơn hàng thuộc thẩm quyền của công ty không và yêu cầu ký xác nhận. Tránh trường hợp người đặt hàng sau một thời gian họ nghỉ, người khác tiếp quản cho rằng họ không đặt đơn hàng này.
Hầu hết các tranh chấp xảy ra đều liên quan đến vấn đề về chất lượng, thâm hụt hàng hóa. Doanh nghiệp cần kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng và thông báo bằng hình ảnh cho đối tác.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên giữ liên lạc với đối tác, khách hàng. “Hàng ngày đều phải trao đổi, cần cập nhật thông tin với đối tác. Nếu 3-4 ngày mà không thấy họ trả lời lại thì chắc chắn sẽ có vấn đề”, ông Bùi Trung Thướng thông tin.