Tham gia bảo hiểm nhân thọ, lỗ hay lãi?
Vừa bước vào phòng làm việc, chị Mai lên tiếng ngay với giọng đầy bức xúc xen lẫn tiếc nuối: Mình vừa hoàn thiện thủ tục chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (viết tắt là bảo hiểm), mất trắng gần 20 triệu đồng sau 1 năm tham gia.
Anh Bình tiếp lời ngay: Chấm dứt luôn là hợp lý đấy, chứ tham gia đến 15 năm theo ký kết của hợp đồng, hoặc chị tham gia thêm vài năm nữa mới chấm dứt hợp đồng thì còn mất thêm gấp mấy lần chỗ ấy chứ!
Rồi nhiều lời của đồng nghiệp trong phòng chia sẻ với chị Mai về “thiệt hại” không chỉ về kinh tế mà còn là sự ấm ức, bức xúc vì cho rằng người tư vấn bán bảo hiểm lừa chị Mai, lừa người tham gia, rồi cho họ là người bán hàng “đa cấp”…
Những lời chia sẻ với chị Mai chỉ tạm dừng lại khi anh Quang cất tiếng: Thế khi tham gia bảo hiểm, chị đặt mục đích gì? người bán bảo hiểm không tư vấn gì cho chị sao mà giờ bảo họ lừa mình?
Chị Mai thanh minh: Người bán bảo hiểm có tư vấn nhưng không rõ ràng, còn hợp đồng dày tới mấy chục trang làm sao mình đọc hết được.
Mọi người lại nhao nhao: – Đúng đấy! Hợp đồng dày mấy chục trang với hàng chục chương, điều khoản, rồi trong đó từng mục chi chít với các quy định, như thế làm sao mình hiểu và nhớ hết được? với lại người bán bảo hiểm chỉ tư vấn cho người tham gia về quyền lợi sẽ được hưởng và trách nhiệm phải đóng phí đúng định kỳ thôi, còn các phần, mục phải trừ đi… họ không nói, thế chẳng phải là họ lừa mình à?
– Không hiểu sao các chị lại đặt bút ký vào hợp đồng?
Câu hỏi này của anh Quang dường như đánh đúng “điểm yếu” của người tham gia bảo hiểm nên chỉ nhận về những câu cảm thán, như: Biết thế, giá như hoặc tiếng thở dài mang theo sự tiếc nuối không chỉ của chị Mai mà còn của những người đồng nghiệp, vì trong số đó có mấy người cũng tham gia bảo hiểm nhân thọ, nhưng thời gian tham gia đã mấy năm nên đành tham gia tiếp.
Thấy nỗi buồn xen lẫn sự lo lắng của nhiều đồng nghiệp, anh Quang chia sẻ quan điểm: Khi tham gia bảo hiểm, các anh chị cần phải xác định rõ mục đích tham gia là để làm gì, mỗi loại bảo hiểm đều có giá trị riêng của nó; quyền và trách nhiệm cũng được quy định rõ ràng trong hợp đồng nên mỗi người trước khi đặt bút ký vào đó cần tìm hiểu rõ ràng, thông suốt, chứ đặt bút ký vào hợp đồng rồi giờ ngồi than vãn, trách móc, tiếc nuối thì đã muộn.
Anh Quang phân tích thêm: Việc tham gia bảo hiểm là để bảo đảm về mặt tài chính giúp bản thân và gia đình có nguồn lực chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi không may bị đau ốm phải nằm viện; hoặc sẽ được chi trả nếu gặp rủi ro đến tính mạng của bản thân người tham gia. Và khi tham gia bảo hiểm, mỗi người cũng cần phải hiểu rõ các khoản phí sẽ bị trừ đi hằng năm như: Phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí bảo hiểm rủi ro tăng cường, phí quản lý quỹ hợp đồng… Những khoản phí này sẽ không được tích lũy vào tổng giá trị khi hoàn lại. Rồi anh lấy ví dụ hợp đồng bảo hiểm của anh tham gia để giải thích cho mọi người dễ hiểu hơn: Nếu đóng mức 20 triệu đồng/năm, thời gian tham gia là 10 năm thì giá trị hoàn lại khi hết thời hạn hợp đồng là 115 triệu đồng, nếu tính cả lãi suất (khoảng từ 2 đến 4%/năm) thì giá trị hoàn lại sau 10 năm khoảng 127 triệu đồng. Tuy nhiên, lãi suất mức bao nhiêu lại phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, khi tham gia bảo hiểm nhân thọ không thể lãi. Còn nếu muốn tích lũy, có lãi thì tìm kênh đầu tư khác hoặc gửi tiết kiệm ở các tổ chức tín dụng.
Đồng quan điểm với anh Quang, anh Hùng lên tiếng: Theo tôi, ngoài việc tìm hiểu đầy đủ chính sách, quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm thì người tham gia cần xác định năng lực tài chính của mình; xác định thời gian tham gia bảo hiểm. Tránh trường hợp tham gia được mấy năm, khi gặp khó khăn thì chấm dứt hợp đồng, lúc đó, phần thiệt thòi của người tham gia là rất lớn, trong đó, 2 năm đầu kể từ khi bắt đầu tham gia, phần hoàn lại là rất ít, thậm chí là bằng 0 (tuỳ từng doanh nghiệp bảo hiểm). Tuy nhiên, cũng phải nói đến trách nhiệm của người tư vấn bán bảo hiểm, họ cần phải tư vấn đầy đủ từ chính sách, quyền lợi được hưởng khi tham gia bảo hiểm đến các nghĩa vụ cụ thể như các khoản sẽ bị trừ hằng năm; tổng giá trị tích luỹ đến hết thời hạn tham gia; lãi suất được hưởng cũng như sự thiệt hại của người tham gia nếu chấm dứt hợp đồng giữa chừng; hoặc số tiền tích luỹ không rút về khi hết thời hạn hợp đồng sẽ bị giảm như thế nào sau mỗi năm… cho khách hàng, giúp khách hàng hiểu rõ sản phẩm muốn đầu tư, bởi đó chính là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh của mỗi người làm nghề kinh doanh.
Thiết nghĩ, việc tham gia bảo hiểm theo loại hình bảo hiểm nhân thọ sẽ thực sự phù hợp đối với quan điểm, tiềm lực tài chính, đặc biệt là sự hiểu biết của mỗi người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần giám sát, kiểm tra hoạt động của loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định; doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tiếp nhận đầy đủ thông tin và giải quyết kịp thời các khiếu nại của khách hàng nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên.
Trâm Anh