(HBĐT) – Chiều 5/6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh (QHT) Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của QHT Hòa Bình.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định QHT cùng đại diện các bộ, ngành T.Ư và các chuyên gia. Về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá QHT Hòa Bình có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển KT-XH đất nước giai đoạn 2021-2030, từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ QH…
Theo lãnh đạo tỉnh, quá trình triển khai lập QHT, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xin ý kiến 21 bộ, cơ quan T.Ư; 19 tỉnh, thành phố trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh, thành phố có liên quan đến QHT, các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
QHT Hòa Bình tập trung 5 khâu đột phá phát triển: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh. Trong đó có 2 khâu được xác định là đột phá có vị trí then chốt là: phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực…
Về không gian phát triển, Hòa Bình định hướng phát triển KT-XH theo 2 hành lang: Hành lang kinh tế Đông – Tây (gắn với QL6 và CT.03): Phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây tỉnh Hòa Bình là một bộ phận của hành lang kinh tế Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên; Hành lang kinh tế phía Đông (gắn với đường Hồ Chí Minh và CT.02): Phát triển hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Hòa Bình gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc CT.02 qua Lương Sơn (giáp Hà Nội) – Lạc Thủy – Yên Thủy – Lạc Sơn (giáp tỉnh Thanh Hóa).
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh Hòa Bình nhận thức rất sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác quy hoạch (QH) đối với sự phát triển của tỉnh. QH được lập nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN quốc gia, phù hợp với các QH quốc gia và QH của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sự quan tâm của T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là Bộ KH&ĐT đã quan tâm đến sự phát triển của tỉnh Hòa Bình và đóng góp ý kiến cho QH của tỉnh thời gian qua.
Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn của các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành đối với tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc tỉnh Hòa Bình cần khắc phục trong thời gian tới. Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm tạo cơ chế để giúp Hòa Bình ngày một phát triển….
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh công tác QH là nhiệm vụ khó, phức tạp, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Việc lập QH phải làm sao khai thác, đánh giá được hết các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của tỉnh.
Để sớm hoàn thiện nội dung QH theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thay mặt Hội đồng thẩm định, đồng chí Thứ trưởng đề nghị: UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan lập QH nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ QHT Hòa Bình theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia phản biện và của các chuyên gia tại Hội nghị tham vấn về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của QH và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định…
Tại hội nghị, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua QHT Hòa Bình và Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược của QHT Hòa Bình với 30/30 phiếu đồng ý. Đây là cơ sở để tỉnh hoàn thiện hồ sơ QHT Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định./
Hồng Trung