DNVN – Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh – Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Công nghiệp Hoá chất (CECO), công tác thẩm định hoặc có ý kiến công nghệ các dự án đầu tư còn một số khó khăn, vướng mắc; cần sớm có những bổ sung quy định phù hợp nhằm hạn chế những bất cập về mặt pháp lý hiện nay, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững…
Trước đây, một số nhà đầu tư thực hiện thay đổi phương án công nghệ trong quá trình hoạt động của dự án đầu tư mà không báo cáo, không có sự xem xét, thẩm định, có ý kiến của cớ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân.
Từ thực tiễn này, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã có 1 chương quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Theo đó, luật quy định về loại dự án phải được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ…
Tại diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, sáng ngày 30/9 tại Hà Nội, TS Nguyễn Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành gần đây đã chú trọng quy định đầy đủ hơn đến công tác thẩm định, có ý kiến về công nghệ của dự án đầu tư.
Mặc dù quy định này nằm tại các văn bản luật khác nhau nhưng đều đã được nghiên cứu, quy định, bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa văn bản luật, đồng thời phù hợp với đặc thù của từng loại dự án, từng nguồn vốn đầu tư.
Ảnh minh hoạ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Công nghiệp Hoá chất (CECO) đánh giá, công tác thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ nói riêng được cơ quan quản lý, nhà đầu tư và các doanh nghiệp rất quan tâm. Lý do là việc thẩm định giúp họ có những quyết định đúng đắn trong việc đầu tư dài hạn vào các dự án. Vì vậy, hoạt động này có vai trò rất quan trọng trong kinh tế – xã hội, phục vụ nhiều mục đích cho các bên lên liên quan.
Tuy vậy, theo bà Vân Anh, trong công tác thẩm định hoặc có ý kiến công nghệ các cự án đầu tư, CECO nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc.
Với số lượng dự án từ mọi nguồn vốn triển khai lớn như hiện nay, khối lượng công việc rất lớn trong khi nhân lực thiếu, không được đào tạo thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tiến độ thẩm định hồ sơ.
“Bộ KH&CN nên chủ trì đề xuất một mặt xây dựng chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia công tác thẩm định. Mặt khác, xây dựng cơ chế, chính sách, quy chế làm việc, đãi ngộ phù hợp để vừa khuyến khích cán bộ chuyên môn nâng cao trình độ, vừa an tâm thực hiện nhiệm vụ, nâng cao cả về chất và lượng trong công tác thẩm định”, Tổng giám đốc CECO kiến nghị.
Theo bà Vân Anh, Nhà nước cũng cần thường xuyên cập nhật danh mục các công nghệ mới, khuyến khích chuyển giao, hạn chế và cấm chuyển giao trong các văn bản pháp quy.
Công tác thẩm định/có ý kiến về công nghệ hiện nay còn chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…, chưa kể các văn bản dưới luật. Điều này phần nào gây trở ngại, dễ chồng chéo, cách hiểu khác nhau cho cả chủ đầu tư lẫn phía cơ quan thẩm định trong việc xác định đúng đối tượng, thẩm quyền thẩm định.
Việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đều nằm ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư dù quy định nội dung thẩm định/có ý kiến ở mỗi giai đoạn khác nhau.
“Việc trải qua 2 bước thẩm định/có ý kiến về công nghệ liên tiếp nhau trong giai đoạn chuẩn bị dự án là chưa hợp lý, mất nhiều thời gian công sức và làm kéo dài quá trình thẩm định, phê duyệt dự án nói chung, đồng thời cũng là áp lực lớn lên cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm tiếp nhận thẩm định/có ý kiến do số lượng đầu tư lớn, nhân lực có hạn”, bà Vân Anh phản ánh.
Do đó, CECO đề xuất cơ quan quản lý xem xét gộp 2 bước này vào 1 giai đoạn để giảm tải áp lực cho cả chủ đầu tư và có quan thẩm định.
Ngoài ra, các nội dung thẩm định/cho ý kiến về công nghệ hiện nay quy định quá chi tiết nếu đánh giá ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư, gây khó khăn cho chủ đầu tư.
“Quy định về công tác thẩm định/cho ý kiến về công nghệ dự án đầu tư cần sớm có những bổ sung quy định phù hợp nhằm hạn chế những bất cập về mặt pháp lý hiện nay đối với vấn đề này, bảo đảm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân/hội đồng thẩm định, góp phần hoàn thiện pháp luật về thẩm định dự án, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, Tổng giám đốc CECO đề xuất.
Trong khi đó, TS Na Kyung Su – Trưởng khối vận hành và trợ giúp sản xuất Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai kiến nghị, không áp dụng khoản 1, Điều 14, Nghị định 69/2010/NĐ-CP đối với vi sinh vật nhập khẩu để sản xuất hoá chất công nghiệp sử dụng công nghệ sinh học.
“Điều này sẽ cải thiện các rào cản kỹ thuật nhập khẩu tại Việt Nam. Từ đó cho phép tận dụng công nghệ sinh học tiên tiến hàng đầu thế giới một cách tích cực hơn tại Việt Nam. Đây sẽ là một điểm rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp sinh học tại Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Na Kyung Su nói.
Ông Mai Văn Sùng – Giám đốc Trung tâm DC, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST3) đề xuất soát xét lại các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi về điều kiện nhập khẩu máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũng như tiêu chí xác định công nghệ khi gia hạn dự án đầu tư.
Cũng theo ông Sùng, cần thiết loại bỏ quy định điều kiện về giới hạn tuổi thiết bị đối với các máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ. Đồng thời ban hành hướng dẫn trong trường hợp không xác định được công suất, mức tiêu hao nguyên – vật liệu, bổ sung các danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về an toàn, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng tối thiểu cần tuân thủ.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/tham-dinh-cong-nghe-du-an-dau-tu-con-nhieu-vuong-mac/20240930121007558