Xã Yên Trạch (Phú Lương) có tỷ lệ đất lâm nghiệp chiếm gần 60% diện tích tự nhiên. Thời gian qua, nhờ khai thác hiệu quả lợi thế đồi rừng, đời sống của người dân trong xã đã từng bước được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương còn nhiều khó khăn này.
Gia đình anh Lộc Văn Thời, ở xóm Khuân Cướm, xã Yên Trạch, hiện có 2ha rừng keo. |
Gia đình anh Lộc Văn Thời là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế từ trồng rừng ở xóm Khuân Cướm, xã Yên Trạch. Trước đây, do không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình anh bấp bênh, kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2015, gia đình anh Thời đã cải tạo 2ha đất đồi tạp, chuyển sang trồng cây keo. Sau 6 năm, lứa keo đầu tiên cho thu nhập 80 triệu đồng/ha. Với nguồn thu từ rừng, anh Thời có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm đồ dùng trong nhà và đầu tư cho các con học hành. Hiện nay, gia đình anh đang tích cực chăm sóc lứa keo thứ 2, đồng thời nghiên cứu mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng để phát triển kinh tế.
Theo ông Ma Văn Giang, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Khuân Cướm: Nếu như trước đây, người dân chỉ trồng sắn, ngô trên đồi nên hiệu quả kinh tế kém, thì nay, hầu hết các hộ trong xóm đều trồng rừng. Diện tích rừng của toàn xóm Khuân Cướm hiện đạt trên 100ha. Từ rừng, nhiều hộ đã có đời sống khá hơn và thoát nghèo. Nhiều ngôi nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng bên những đồi keo xanh mát. Toàn xóm hiện còn 46 hộ nghèo, giảm 50 hộ so với năm 2019.
Tính chung toàn xã Yên Trạch hiện có trên 1.770ha rừng sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, xã đã trồng mới, trồng lại gần 150ha rừng; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 13,2 nghìn m3 (tăng trên 8 nghìn m3 so với năm 2015).
Bên cạnh trồng rừng, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn mở các cơ sở chế biến lâm sản, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Toàn xã hiện có 36 cơ sở chế biến lâm sản, với sản phẩm chủ yếu là gỗ bóc, ván bóc, gỗ dăm.
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, cuộc sống của bà con ngày càng có nhiều đổi thay. Tính đến đầu năm 2023, thu nhập bình quân của người dân Yên Trạch đạt 39 triệu đồng/người/năm (tăng 9,97 triệu đồng so với năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,77% (năm 2022) xuống còn 16,01%.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, xã Yên Trạch đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích người dân phát triển kinh tế đồi rừng. Trong đó tập trung tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích đồi có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây keo. Vừa triển khai, vừa tuyên truyền, lấy hiệu quả thực tế để chứng minh hiệu quả nên từ vài hộ ban đầu, đến nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều có rừng trồng. Hộ trồng ít thì có từ 0,2 đến 0,3ha, hộ nhiều lên tới 7ha rừng.
Cùng với đó, xã cũng triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng cho nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, xã Yên Trạch tập trung vận động và tạo điều kiện cho người dân tham gia Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững. Các hộ tham gia Chương trình được hỗ trợ cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng rừng.
Hàng năm, xã cũng chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể bám sát cơ sở, nắm bắt và định hướng người dân vay vốn phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế đồi rừng. Tính đến ngày 22/8/2023, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn xã Yên Trạch là trên 81,9 tỷ đồng, với trên 1 nghìn hộ vay.
Để rừng trồng phát triển tốt, UBND xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho người dân. Nhờ đó, diện tích rừng trên địa bàn phát triển ổn định, đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch: Kinh tế đồi rừng được xác định là mũi nhọn trong phát triển của xã. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền bà con phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung tuyên truyền về trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng; gắn trồng rừng sản xuất với phát triển cơ sở chế biến lâm sản và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm nhằm tận dụng triệt để lợi thế từ rừng. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương…