107 tuổi đời, gần 80 năm tuổi Đảng, Đại tá Hoàng Long Xuyên – Tiểu đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, vừa nhẹ nhàng từ giã cõi trần, về với Bác Hồ, Bác Giáp và anh em đồng đội, vào hồi 11 giờ ngày 27/8/2023 (tức ngày 12 tháng Bảy năm Quý Mão). Gia đình, người thân, các thế hệ cán bộ, đảng viên vô cùng thương tiếc nhân chứng cuối cùng của đội quân đàn anh trong cả nước.
Đại tá Hoàng Long Xuyên. Ảnh: thanhnien.vn |
Là thế hệ sinh sau, từng vinh dự được trò chuyện, viết bài về Đại tá Hoàng Long Xuyên, nghe tin ông qua đời, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Còn nhớ vào cuối năm 2020, tôi sang gặp ông ở nhà riêng tại tổ 3, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), khi đó ông 104 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng. Lúc ấy, tôi vô cùng ấn tượng bởi nhìn da dẻ ông vẫn hồng hào, lưng thẳng, bước đi vững chãi, giọng nói sang sảng. Càng bất ngờ hơn bởi ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn minh mẫn, kể chuyện rành rọt, rõ ràng những ký ức đã qua trên 80 năm như cổ tích giữa đời.
Tôi vẫn nhớ như in, khi ấy, ông cười mở đầu câu chuyện: “Người ta vẫn nói tôi người gầy mình hạc sống khỏe, sống thọ. Bí quyết của tôi là suy nghĩ lạc quan, sống tích cực, ăn uống, sinh hoạt điều độ”. Trở về, tôi viết bài, trong lòng dâng lên bao niềm cảm phục, và tôi đã đặt tên bài viết về Đại tá Hoàng Long Xuyên là “Cổ tích giữa đời”.
Ngược dòng thời gian. Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo tại tỉnh Cao Bằng, sớm giác ngộ cách mạng nên năm 1940, người thanh niên Hoàng Long Xuyên đã tham gia Mặt trận Việt Minh, Hội Thanh niên cứu quốc, rồi được kết nạp vào Đội Trung kiên. Càng vinh dự hơn khi năm 1941, ông là 1 trong 10 thanh niên trung kiên tiêu biểu được Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chọn gửi sang học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Về nước đầu năm 1945, chàng thanh niên Hoàng Long Xuyên gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và được phân công làm Tiểu đội trưởng.
Lịch sử còn ghi lại sự kiện ông không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đúng ngày thành lập (22/12/1944) vì đường xá đi lại xa xôi, trắc trở, về tới nơi thì lễ thành lập đã xong mấy ngày. Nhưng ngày nhập ngũ của ông trong hồ sơ cán bộ vẫn được công nhận là 22/12/1944.
Đại tá Hoàng Long Xuyên tại nhà riêng. (Ảnh chụp cuối năm 2020) |
Trong cuộc đời binh nghiệp, Đại tá Hoàng Long Xuyên không nhớ chính xác mình đã tham gia và trực tiếp chỉ huy bao nhiêu trận đánh. Song, kỷ niệm sâu sắc nhất của ông là trận Đông tiến giải phóng Lạng Sơn từ tay quân Nhật năm 1945. Đây cũng là trận đánh ghi dấu thành tích quan trọng để ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ông từng kể với tôi: Trước trận đánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp có gọi tôi lên dặn dò: “Phương châm hoạt động của đoàn Đông tiến là lấy chính trị làm trọng, quân sự hỗ trợ cho chính trị. Trận đầu tiên phải thắng để gây thanh thế cho Việt Minh ở tỉnh Lạng Sơn. Ở Cao Bằng, ta đã thắng giòn giã trận Phai Khắt, Nà Ngần”.
Theo lời căn dặn của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ông đã chỉ huy anh em cán bộ, chiến sĩ giữ khí thế vững vàng bước vào trận đánh và giành nhiều thắng lợi, giải phóng Lạng Sơn, rồi ông vinh dự được kết nạp Đảng tại đơn vị. Sau 5 năm tham gia cách mạng, nếm trải biết bao vất vả, thử thách, lúc nhận quyết định được kết nạp vào Đảng, ông đã khóc trong niềm vinh dự, tự hào, trong niềm thương nhớ các đồng chí, đồng đội đã hy sinh và nguyện mãi kiên định với lý tưởng của Đảng, với con đường mà Bác Hồ đã chọn.
Sau đó, cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Hoàng Long Xuyên gắn bó với công tác xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn. Ông là một trong những người tham gia xây dựng các đơn vị Quân đội từ những ngày đầu nên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã lấy tên ông gọi thay cho phiên hiệu đơn vị là “bộ đội Long Xuyên”. Còn Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) – nơi ông từng làm Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng, trong ký ức của nhiều người vẫn có tên gọi đầy tự hào: “Trung đoàn Long Xuyên”.
Sau khi giải phóng tỉnh Lạng Sơn, năm 1949, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận Long Châu, tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giải phóng tỉnh Quảng Tây giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng Giới Thạch; tham gia Chiến dịch Biên giới (năm 1950). Năm 1951, Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Đại đoàn 316 trên cơ sở 3 trung đoàn: 174, 98 và 176. Ông Xuyên khi đó là Trung đoàn trưởng được giao nhiệm vụ xây dựng bộ đội chính quy cho Tỉnh đội Lạng Sơn. Sau này, ông được giao trọng trách làm Giám đốc Công an vũ trang Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an Vũ trang khu tự trị Việt Bắc (nay là Bộ đội Biên phòng).
Năm 1986, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Trở về với đời thường, Đại tá Hoàng Long Xuyên luôn sống giản dị, đúng mực để con cháu noi theo. Noi gương ông, các thế hệ con cháu đều sống có đạo hiếu, nghĩa tình, ham học hỏi, biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ mọi người. Đến nay, nhiều con, cháu của ông là đảng viên, giữ vị trí lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước.
Đại tá Hoàng Long Xuyên vui vẻ trò chuyện cùng các con cháu tại nhà riêng. (Ảnh chụp cuối năm 2020) |
Tôi còn nhớ mãi câu nói của Đại tá Hoàng Long Xuyên: “Vào sống, ra chết suốt hơn 30 năm chiến tranh, tôi luôn tâm niệm nếu bản thân không trung thành với Đảng, nếu không đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn thì không thể có tôi của ngày hôm nay”.
Tôi cũng không quên lời gửi gắm của ông với lớp cán bộ, đảng viên đi sau: “Ở thời nào cũng vậy, đối với cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ 3 chữ: Đức – Tài – Tư. Bác Hồ đã dạy rồi, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức là vô dụng. Cán bộ phải tính tư lợi sau cùng, phải luôn đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên để cống hiến. Bởi vậy, người cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn đức luyện tài, gắn bó, đoàn kết, nỗ lực xây dựng tập thể vững mạnh, không để tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ xảy ra”…
Thung dung bước qua 2 thế kỷ, trải qua 4 cuộc kháng chiến vệ quốc và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đại tá Hoàng Long Xuyên đã nhẹ nhàng, thanh thản về với lòng đất Mẹ. Xin được kính cẩn nghiêng mình, thành tâm thắp nén tâm nhang vĩnh biệt ông – nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với niềm kính trọng vô bờ!
Đại tá Hoàng Long Xuyên, tên khai sinh là Hoàng Văn Tứ, sinh năm 1917 tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Ông đã từng trải qua nhiều đơn vị công tác trong Quân đội. Năm 1962, ông về công tác trong lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), sau đó làm Giám đốc Công an của toàn Liên khu Việt Bắc.
Những công lao, đóng góp của Đại tá Hoàng Long Xuyên được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Cán bộ lão thành cách mạng, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng…
|