Trong tiết trời đầu Đông trong vắt, nắng trải dài mở tầm nhìn xa tít lên những ngọn núi Tam Đảo, chúng tôi thong dong dạo quanh những vườn cây đầy hoa trái ở thị trấn Quân Chu (Đại Từ) mà ngỡ như lạc vào cõi tiên. Đắm mình trong bầu không khí trong lành, thơm nức, chúng tôi hòa với những câu chuyện chân tình, ấm áp của người dân nơi đây về miền đất nhiều tiềm năng phát triển…
Thị trấn Quân Chu từ lâu đã được coi là vựa cây trái của huyện Đại Từ. Nhiều người hay gọi Quân Chu là miệt vườn, hay miền quả ngọt, bởi trải dài dưới chân dãy núi Tam Đảo là bạt ngàn, trùng điệp những vườn cây ăn quả đan gối nhau. Người dân Quân Chu chủ yếu là người dưới xuôi, gốc Hưng Yên, lên đây khai hoang, lập làng từ năm 1970.
Họ mang theo cả sự chịu thương chịu khó, tư duy nhanh nhạy phát triển các loại cây ăn trái lên và biến vùng rừng núi rậm rạp, hoang vu trước đây thành miền quả ngọt hôm nay.
Đón chúng tôi tại “thủ phủ” chuối tiêu là anh Nguyễn Xuân Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã nông – lâm nghiệp Xanh, ở tổ dân phố Tân Tiến. Anh cho biết: Tuy năm nay, Hợp tác xã bị thiệt hại do nhiều diện tích chuối đang trổ buồng bị gẫy đổ bởi cơn bão Yagi, nhưng hiện tại chuối đang được thương lái trả giá cao kỷ lục.
Từ vườn chuối của Hợp tác xã nông – lâm nghiệp xanh, chúng tôi cho xe chạy xuôi theo chân dãy Tam Đảo, tới các tổ: Tân Lập, Chiểm 1, Chiểm 2, Dốc Vụ… Qua những vườn cây trái xum xuê đang độ trĩu cành, thì thấy không riêng Tân Tiến, mà ở các tổ dân phố trong vùng cây ăn quả tập trung của Quân Chu, hiện cây chuối Tiêu Hồng được bà con trồng nhiều nhất.
Chúng tôi nhớ lại cuộc trò chuyện ở UBND xã cùng Chủ tịch UBND, đồng chí Dương Văn Hinh chia sẻ: Chuối đang là cây trồng có thu nhập ổn định của người dân địa phương. Hiện thị trường tiêu thụ loại quả này rộng mở, nhất là thu hoạch bán vào đúng dịp Tết Nguyên Đán cho giá trị cao, ổn định. Tính trung bình, 1ha chuối cho thu trên 40 tấn quả/năm, bán được khoảng 400 triệu đồng.
Chuối hiện là cây trồng thế mạnh của Quân Chu. |
Để lựa chọn đầu tư đúng những loại cây có giá trị kinh tế, bớt bấp bênh trong vòng xoay được mùa, mất giá, hay bị cuốn theo guồng trồng, rồi lại chặt như một số địa phương khác, người dân Quân Chu cũng đã trải qua những thăng trầm của nhiều mùa quả mà rút ra kinh nghiệm quý báu.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, tổ dân phố Tân Lập, cho biết: Ngày trước, khi người dân ở đây mới đưa cây ăn quả về trồng, bà con cũng theo phong trào trồng cây vải, rồi chuyển sang cây mơ, cây mận và nhãn. Khoảng sau năm 2000, hầu hết diện tích cây ăn quả ở đây đều là nhãn, vào mùa thu hoạch nhãn, xe tải khắp nơi kìn kìn kéo đến thu mua, có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng, có tiền xây nhà to, mua ô tô đẹp.
Nhưng rồi, từ năm 2010, người dân khốn đốn vì nhãn mất mùa 3 năm liên tục. Không nản, bà con chủ động chuyển nhiều diện tích nhãn sang trồng chuối. Đặc điểm của cây chuối là chỉ có thể trồng tối đa 3 năm liền trên 1 diện tích đất, rồi lại phải chuyển đổi sang loại cây khác, nên nhiều diện tích trồng chuối hết thời hạn, bà con đã chuyển sang trồng ổi, bưởi…
Qua những lần chuyển đổi, người dân đã đúc rút nhiều kinh nghiệm quý để lựa chọn cây trồng đón đầu thị trường, đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, cũng biết nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đầu tư trồng những loại cây ăn quả dễ tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao.
Là một trong 10 xã, thị trấn vùng đệm rừng Quốc gia Tam Đảo, Quân chu được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan đẹp. Men theo tỉnh lộ 261, chúng tôi tiến sâu vào sát dãy núi Tam Đảo, khu Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc hiện ra rõ dần trong màn sương mỏng. Thiền viện tọa lạc ngang sườn núi cao, có thế tựa núi, hai bên là hai dãy núi Ba Gò và Chỏm Vung uốn cong như vòng tay ôm cả khu Thiền viện vào lòng.
Dưới chân hai dãy núi này là hai dòng suối Đá Đen và Đá Trắng chảy ra từ lòng núi, nước bốn mùa luôn trong vắt tựa pha lê, róc rách ngày đêm chảy men theo chân núi, rồi hợp nhau lại thành suối Đá Cổng chảy đi khắp thị trấn, len lỏi vào những vùng chè, cây ăn quả, cung cấp nguồn sinh thủy nuôi dưỡng cho cây trồng tốt tươi.
Khu Thiền viện ở thị trấn Quân Chu hiện nay có 2 di tích rất ý nghĩa là chùa Thiên Tây Trúc được xây dựng cách đây 5 thế kỷ và Lán Than – nơi thành lập Đội du kích Cao Sơn (Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái). Là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam, nơi đây cùng với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc chính là điểm nhấn du lịch tâm linh của các xã vùng ven Tam Đảo. Đứng từ Chùa Thiên Tây Trúc, phóng tầm mắt ra phía trước chỉ thấy trùng điệp những ngọn núi xếp gối nhau, bao trùm một mầu xanh ngắt, điểm vào đó là những đám mây trắng bồng bềnh nhẹ trôi, làm cho khung cảnh vừa hùng vĩ, bao la, vừa tĩnh lặng tựa chốn tiên cảnh.
Cách đó không xa, thác Đát Ngao – một trong những thắng cảnh nổi tiếng của huyện Đại Từ chính là nét chấm phá giữa không gian bao la xanh. Với dòng nước trong mát chảy từ lòng núi Tam Đảo ra, gặp những phản đá to treo trên vách núi đổ xuống tạo thành dòng thác trắng xóa giữa nền rừng xanh hùng vĩ.
Thắng cảnh này đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, tạo nên bầu không khí thuần khiết trong lành. Vào những ngày hè oi nóng, du khách khắp nơi kéo về đây để được được ngắm nhìn cảnh đẹp núi non, mây trời, hít thở bầu không khí thanh khiết, được hòa mình vào thiên nhiên, nghe tiếng thác đổ, cùng tiếng gió lao xao vờn lá rừng, cộng hưởng cùng tiếng chim hót, tạo nên bản hòa ca của núi rừng vui nhộn.
Cùng với cảnh đẹp nên thơ, Quân Chu cũng là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt sinh sống, bà con vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc thể hiện ở trang phục, nghi lễ như Tết nhảy, những bài thuốc nam gia truyền, ẩm thực.
Những năm gần đây, người dân Quân Chu đã biết kết nối những lợi thế lại với nhau tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc. Đó là du lịch tâm linh, trải nghiệm leo núi, tắm thác, camping, hái chè, thu hoạch hoa quả theo mùa, tham gia sinh hoạt văn hóa – văn nghệ cùng đồng bào Dao, thưởng thức trà, ẩm thực dân tộc…
Một số nông dân đã chủ động, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm bằng việc cải tạo nông trại của gia đình, tạo cảnh quan tươi đẹp để hấp dẫn khách du lịch.
Trên cơ sở thực tế, Quân Chu cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, góp phần quảng bá nông sản và phát triển kinh tế địa phương, gắn với giữ gìn và lưu truyền, phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Dao Quần Chẹt ở đây.
Đã không ít lần được đến Quân Chu, nhưng lần nào đến đây, chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên, bởi những thay đổi nhanh chóng của vùng đất này. Sau hơn 1 năm sáp nhập địa giới hành chính (từ xã và thị trấn Quân Chu cũ thành thị trấn Quân Chu), nơi này đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ.
Lần trở lại này, chúng tôi thấy nhiều công trình điện, đường, trường, nhà văn hóa mới được xây dựng khang trang, nhất là tuyến tỉnh lộ 261 đã được mở rộng, trải nhựa phẳng lì, Tuyến đường liên kết vùng kết nối các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc chạy qua Quân Chu hơn 2km đang từng bước được hoàn thiện với bao hứa hẹn, sẽ kết nối Quân Chu với các tỉnh lân cận.
Với địa hình một bên là núi cao sừng sững, tiếp đến là đồi bát úp, sau đó thoải dần và một bên là suối nước trong mát, cộng với những lợi thế về giao thông, Quân Chu có điều kiện thuận lợi để phát triển không gian đô thị, có khoảng đóng, khoảng mở, có điểm nhấn không gian.
Sau hơn 1 năm sáp nhập địa giới hành chính, Quân Chu hôm nay đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ, trở thành một đô thị văn minh, sáng, xanh, sạch đẹp, hướng tới văn minh, hiện đại. Thị trấn có diện tích trên 53km2, trên 2.200 hộ chia thành 19 tổ dân phố, với 8 dân tộc là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay, Dao, Sán Dìu, Hoa, Ngái.
Nhằm xây dựng thị trấn Quân Chu trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội phía Nam của huyện Đại Từ, thời gian qua, địa phương đã tích cực huy động nguồn lực cùng với sự đầu tư của Nhà nước để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông địa phương, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – du lịch.
Đó là tuyến đường kết nối trung tâm huyện Đại Từ với các xã Bình Thuận, Lục Ba, Ký Phú, Văn Yên, Cát Nê, Quân Chu, thị trấn Quân Chu và TP. Phổ Yên với chiều dài qua địa bàn thị trấn là 5,6 km, đã được rải nhựa. Đường trục thị trấn kết nối trung tâm hành chính thị trấn với các xã lân cận và với các tổ dân phố có tổng chiều dài gần 30km cũng được bê tông hóa.
100% đường trục các tổ dân phố (gần 17km) cũng được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Đi tham quan một vòng các tổ dân phố, chúng tôi thấy cơ bản đường ngõ khu dân cư cũng được đổ bê tông, được trồng hoa, cây xanh đẹp mắt, có nơi thu gom rác thải…
Những thành tựu của Quân Chu là kết quả của sự đồng lòng, nhất trí, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ tích cực của nhân dân. Đây chắc chắn sẽ là tiền đề để Quân Chu “cất cánh”, phấn đấu trở thành phường vào năm 2025.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202412/ve-mien-dat-hua-quan-chu-2630a19/