Với địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, cộng thêm tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, nên hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra các vụ sạt lở đất đá. Bởi vậy, việc ứng phó với tình trạng sạt lở trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Trận mưa lớn diễn ra trong tháng 6/2023 khiến đất đồi bị sạt lở xuống cạnh nhà một hộ dân ở xã Nghinh Tường (Võ Nhai). |
Khu vực chân bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa, thuộc địa phận xóm Ngò, xã An Khánh (Đại Từ) là một trong những điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão năm nay. Tại đây, ngoài ngôi chùa Làng Ngò còn có hơn 10 hộ dân đang sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Khánh, cho biết: Đối với chùa Làng Ngò, chúng tôi đã kiến nghị với UBND huyện về việc di chuyển đến địa điểm mới để đảm bảo an toàn. UBND huyện cũng đã quyết định phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và đang phối hợp với Mỏ than Khánh Hòa cùng các đơn vị liên quan để sớm triển khai xây dựng chùa Làng Ngò tại vị trí mới, cách xa chân bãi đổ thải. Đối với một số hộ dân chưa thể di dời, chúng tôi khuyến cáo bà con thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Không riêng xã An Khánh, tình trạng sạt lở đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Quy Kỳ (Định Hóa). Cụ thể, tại khu vực xóm Thái Trung xảy ra tình trạng sạt lở đất, nguy cơ gây mất an toàn cho 6 hộ dân đang sinh sống tại đây và ảnh hưởng đến đường dây điện cao thế 35kV chạy qua địa bàn.
Mặc dù UBND huyện Định Hóa đã cho xử lý san gạt đất bị sạt lở, nhưng khu vực này vẫn tiếp tục xuất hiện thêm các vết nứt mới. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, do kết cấu địa chất đứt gãy đã xảy ra trong thời gian dài, kết hợp với mực nước ngầm thẩm thấu lớn, nên nền đất ở khu vực này luôn có độ ẩm cao, nguy cơ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra.
Ngoài ra, tại khu vực đèo So, nằm trên tuyến đường độc đạo nối 2 xã Quy Kỳ và Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá nghiêm trọng, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân.
Ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, thông tin: Trong những ngày mưa bão, chúng tôi cắt cử lực lượng cắm biển cảnh báo nguy hiểm và trực canh gác tại những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người dân qua lại. Chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm xử lý dứt điểm các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân.
Khu vực chân bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa, thuộc địa phận xóm Ngò, xã An Khánh (Đại Từ) hiện có hơn 10 hộ dân sinh sống. |
Mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện thêm một số điểm sạt lở nguy hiểm, như: Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình), chân cầu Mỏ Bạch (TP. Thái Nguyên)… Ngoài ra còn hàng chục điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tại các mỏ khai thác đá và tình trạng sạt trượt trên một số tuyến đường có taluy dương cao ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ…
Cùng với đó, hàng trăm hộ dân đang sinh sống ven sông, suối hoặc bạt núi làm nhà cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các điểm có nguy cơ sạt lở đều nằm ở khu vực vùng núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc di dời đến nơi ở mới gặp trở ngại rất lớn.
Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai: Đối với các địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thực tế và đề xuất UBND huyện phương án xử lý. Cùng với đó, phòng Nông nghiệp cũng đôn đốc các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, nhất là trong các đợt thiên tai, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm, sơ tán những nhà dân ở khu vực có nguy cơ cao. Với những vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trong phạm vi hẹp, quy mô nhỏ, phòng Nông nghiệp đề nghị chính quyền địa phương bố trí và cân đối các nguồn lực để khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn về người và cơ sở hạ tầng.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát khu vực dân cư, trụ sở cơ quan, đơn vị có nguy cơ xảy ra sạt lở để tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động phòng, chống sạt lở; sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản.
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Giao thông – Vận tải phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn tại các điểm, mỏ khai thác khoáng sản, các công trường đang thi công…
Cùng với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và chính quyền các địa phương, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, không nên xây nhà ở khu vực ven sông, suối, sườn núi. Đối với người dân ở khu vực miền núi, bà con cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra…