Với vai trò là đô thị trung tâm vùng, TP. Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông; công khai quy hoạch, xúc tiến đầu tư…
Công trình đường Huống Thượng – Chùa Hang (thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực) góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị của TP. Thái Nguyên. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Xác định công tác cải cách hành chính là tiền đề quan trọng trong thu hút đầu tư, thời gian qua, UBND TP. Thái Nguyên đã tập trung rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục. Cùng với đó là nỗ lực rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực đất đai. Từ đó góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.
Anh Bùi Thế Diễm, Giám đốc DN tư nhân thương mại dịch vụ chè Tân Cương Kiều Diễm, ở xóm Nhà Thờ, xã Phúc Xuân, chia sẻ: Chúng tôi xây dựng nhà xưởng sản xuất và kinh doanh chè trên diện tích đất thương mại – dịch vụ nên đòi hỏi rất nhiều thủ tục, từ việc đăng ký ngành nghề kinh doanh đến viết dự án. Khi ra làm việc tại Bộ phận một cửa của TP. Thái Nguyên, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ rất tận tình. Tôi thấy thủ tục không rườm rà, đơn cử như với việc cấp đổi đăng ký kinh doanh thì chỉ sau 3 ngày làm việc là được lấy, thay vì 7 ngày như trước đây.
Để tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN, tại Bộ phận một cửa, UBND TP. Thái Nguyên đã niêm yết công khai 425 TTHC (trong đó có 302 TTHC cấp huyện, 123 TTHC cấp xã). Thành phố áp dụng hiệu quả cơ chế “Một cửa liên thông”, trong đó có 97,39% số hồ sơ được số hóa, giúp người dân và DN dễ dàng theo dõi tiến độ giải quyết qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong năm 2024, TP. Thái Nguyên đã rà soát, cắt giảm 15 thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình nội bộ. Tất cả các ý kiến phản ánh của công dân về giải quyết TTHC đều được chính quyền thành phố trả lời đúng hẹn trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Năm 2024, Bộ phận một cửa UBND thành phố tiếp nhận 14.356 hồ sơ, trong đó, giải quyết trước hạn 8.540 hồ sơ; đúng hạn 5.742 hồ sơ; quá hạn 74 hồ sơ.
Nhờ vậy, nhiều năm liền, TP. Thái Nguyên đứng trong tốp địa phương dẫn đầu của tỉnh về Chỉ số hài lòng phục vụ hành chính (năm 2023 đứng thứ 2, năm 2024 đứng thứ 3). Hai năm liên tiếp (2023-2024), TP. Thái Nguyên dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính trong khối huyện, thành phố của tỉnh.
Hoạt động sản xuất tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 (TP. Thái Nguyên). |
Phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch
Một trong những yếu tố giúp TP. Thái Nguyên ngày càng gia tăng sức hút với nhà đầu tư là công tác quy hoạch được quan tâm, thực hiện đồng bộ. Theo đó, với định hướng phát triển “đa trung tâm”, thành phố xây dựng hệ thống quy hoạch phân chia rõ ràng các khu chức năng, như: Khu trung tâm hành chính – thương mại (khu trung tâm hiện hữu); khu đô thị mới (phía Đông và phía Tây); khu công nghiệp (xã Sơn Cẩm, Cao Ngạn…).
Cùng với đó, thành phố đã công khai, minh bạch các quy hoạch; cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị, DN. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2025, UBND thành phố đã cấp thông tin quy hoạch xây dựng cho khoảng 125 cơ quan, đơn vị và cá nhân. Qua đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư lựa chọn vị trí đầu tư phù hợp.
Trên cơ sở quy hoạch phân vùng rõ ràng, TP. Thái Nguyên tập trung đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối giữa các khu vực.
Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư công, từ năm 2021 đến nay, TP. Thái Nguyên đã xây dựng gần 550 công trình, dự án, với tổng kinh phí trên 9.600 tỷ đồng.
Đặc biệt, TP. Thái Nguyên đã huy động được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng 2 dự án trọng điểm là Phát triển tổng hợp đô thị động lực và Chương trình đô thị miền núi phía Bắc (với trên 20 hạng mục, công trình gồm cầu, đường…), tổng kinh phí trên 180 triệu USD.
Không chỉ chú trọng phát triển hạ tầng, cấp ủy, chính quyền thành phố còn đặc biệt quan tâm đến việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các cuộc gặp mặt, đối thoại; chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng.
Là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị số 2 Quyết Thắng – Thịnh Đán (được phê duyệt năm 2022, với diện tích 8,2ha), ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện chủ đầu tư Công ty CP Trọng Tín Group, nhận định: Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền TP. Thái Nguyên trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB. Đến nay chúng tôi đã được bàn giao 6,4ha. Diện tích còn lại của 1 hộ dân, dự kiến TP. Thái Nguyên sẽ bàn giao xong trong tháng 4 này. Về tiến độ thực hiện Dự án, chúng tôi có kế hoạch hoàn thành vào quý IV/2026.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, TP. Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã thu hút thành công 20 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên tới trên 30 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Bình quân mỗi năm, gần 4.000 DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố đóng góp từ 1.400-1.500 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho 7.000-8.000 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng…
Bước sang năm 2025, TP. Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu chiến lược, tập trung vào: Hoàn thiện quy hoạch các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, bền vững; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; phát triển hệ thống hạ tầng thông minh đồng bộ; đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/tp-thai-nguyen-tao-suc-hut-voi-cac-nha-dau-tu-7ef1160/