Kỹ sư Phạm Xuân Huy: Không ngừng sáng tạo để làm chủ công nghệ Gắn biển công trình 2 đơn vị thuộc Công đoàn Công ty CP Gang thép Thái Nguyên |
Sản xuất, kinh doanh thép là một nghề nghiệp đặc thù vất vả và nặng nhọc. Người lao động trong các nhà máy cán thép luôn phải làm việc trong điều kiện nóng nực. Với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, sức lao động được giảm bớt. Còn đối với các doanh nghiệp, nhà máy sở hữu công nghệ đã đi vào hoạt động nhiều năm, những khó khăn, vất vả như càng nhân lên gấp bội.
Kỹ sư Phạm Xuân Huy |
Hơn 20 năm làm việc tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá – Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, hơn ai hết, kỹ sư Phạm Xuân Huy – Tổ trưởng Tổ Tiện trục cán, Phân xưởng cán, Nhà máy Cán thép Lưu Xá thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động. Vì vậy, trong quá trình làm việc anh luôn mong muốn được góp sức cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giảm sức lao động thủ công, nâng cao năng lực cơ khí hóa, tự động hóa trong lao động sản xuất.
“Dây chuyền sản xuất càng cũ càng khó khăn, tâm tư người lao động càng muốn cải tiến để giảm thiểu sức lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sao cho hiệu quả, nâng cao năng suất. Vì vậy, lãnh đạo Nhà máy đặc biệt quan tâm, nhất là sáng kiến về môi trường. Mỗi phân xưởng đều có đội ngũ hỗ trợ, người lao động đề xuất ý tưởng, tổ hỗ trợ giúp viết đề xuất để sáng kiến được triển khai, phong trào thi đua nhờ thế được duy trì rất tốt trong suốt những năm qua. Đây là điều kiện tốt giúp chúng tôi nỗ lực tìm ra sáng kiến, mang lại hiệu quả công việc, cải thiện điều kiện làm việc của anh em” – kỹ sư Phạm Xuân Huy nói.
Từ những trăn trở đó, trong quá trình sản xuất, anh luôn tìm tòi các giải pháp để nâng cao hiệu quả công việc. Vừa làm vừa hiệu chỉnh công nghệ, từ thực tế công việc của mình, nhiều đề xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được anh đề xuất với doanh nghiệp áp dụng để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu của anh đã ra đời và đưa vào áp dụng thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Trong nhiều sáng kiến mà anh đề xuất, có những sáng kiến tập trung vào việc giảm thiểu sức lao động cho công nhân.
Điển hình như sáng kiến “Thiết kế, chế tạo cơ cấu gạt đầu mẩu phôi 50×50”. Theo đó, xuất phát từ thực tế công nhân thao tác lái máy cắt 150T sau khi cắt loại bỏ những đoạn phôi 50×50 bị khuyết tật, đoạn cuối của phôi qua giá cán số 1 thì phải thao tác thủ công dùng tay cầm một cây thép dài làm móc để kéo đoạn phôi phế xuống thùng chứa đầu mẩu khá vật vả. Vì vậy, ý tưởng trong thiết kế anh đưa ra là phải áp dụng tự động hóa để công nhân thao tác máy cắt phôi 50×50 sẽ điều khiển khóa lái, lúc này cơ cấu gạt sẽ hoạt động thông qua hành trình của piston. Như thế không chỉ cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động mà còn nâng cao năng lực cơ khí hóa, tự động hóa trong lao động sản xuất.
Là tổ trưởng Tổ tiện trục cán, Phân xưởng cán, kỹ sư Phạm Xuân Huy không chỉ “dám nghĩ, dám làm”, mà còn luôn phối hợp cùng anh em công nhân lao động trong tổ khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tìm hiểu, nghiên cứu những bất hợp lý trong sản xuất, để quyết tâm đưa ra giải pháp hợp lý quá trình sản xuất.
Anh và đồng nghiệp của mình luôn nỗ lực làm tốt công tác đào tạo của tổ bằng nhiều hình thức, như: Phân công thợ có trình độ, tay nghề bậc cao hướng dẫn kèm cặp thợ bậc thấp, để không ảnh hưởng đến năng suất chất lượng sản phẩm; đề xuất với phòng chức năng mở lớp hướng dẫn vận hành máy phay rãnh vằn CNC, máy cắt dây molipdel và máy tiện CNC cho 18 công nhân trong nhà máy; kèm cặp tay nghề cho 12 công nhân được nâng bậc đúng thời hạn; kèm cặp 4 công nhân thi chọn lao động giỏi do công ty tổ chức hàng năm.
Với những nỗ lực không ngừng, kỹ sư Phạm Xuân Huy đã nhiều lần được Công ty Gang Thép Thái Nguyên, Công đoàn Công Thương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng Bằng khen. Năm 2023, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV.
Nói về Phạm Xuân Huy, đồng nghiệp của anh ở Nhà máy Cán thép Lưu Xá luôn dành tặng sự trân trọng và trìu mến. Không chỉ là một kỹ sư giỏi nghề, nhiều cống hiến, mà nhiều sáng kiến của anh luôn hướng về người lao động, góp phần nâng cao hiệu suất, giảm sức lao động. Từ đó, người lao động bớt vất vả, thêm gắn bó hơn với doanh nghiệp.