Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18-NQ/TW) và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính cấp bách. Các kế hoạch, đề án cụ thể triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương đã được tỉnh xây dựng bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo sự liên thông, đồng bộ từ cấp tỉnh xuống cơ sở, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị.
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế (ngày 2/12/2024). |
Tinh gọn bộ máy – mệnh lệnh từ cuộc sống
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan liên quan tổ chức quán triệt, học tập, triển khai bằng nhiều hình thức. Các tài liệu phổ biến và chương trình hành động cụ thể được triển khai để đảm bảo toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ mục đích và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW. Các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để ban hành kế hoạch, đề án phù hợp thực tiễn, đặc thù, điều kiện, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết, Thái Nguyên đã nghiêm túc triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, tỉnh giảm được 3 đầu mối trực thuộc Tỉnh ủy; 56 đầu mối trực thuộc các cơ quan, đơn vị, 281 lãnh đạo cấp phòng, ban và tương đương thuộc Khối các cơ quan Đảng, UBND, HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội; 110 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập, tổ chức lại, giải thể; 207 lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 3.234 biên chế so với năm 2015 và 25.681 số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm, tổ dân phố.
Từ năm 2022 đến nay, Thái Nguyên tiếp tục giảm được 2.224 biên chế cấp tỉnh, huyện. Sắp xếp, sáp nhập giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập nhiều xóm, tổ dân phố; kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong, giảm đầu mối cấp phòng, giảm cấp trung gian; thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng chỉ đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy “phải làm nghiêm và làm ngay”, hoàn thành trong quý I/2025. |
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 23 của HĐND tỉnh vừa qua, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong cấp ủy và hệ thống chính quyền các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”, hoàn thành việc việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Sắp lại bộ máy tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả
Thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 và các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Phương án số 01-PA/TU, ngày 11/12/2024 sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, đảng bộ khối cấp huyện; sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận ở cấp tỉnh và huyện. Đồng thời thành lập mới 2 tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy Thái Nguyên gồm: Đảng bộ Cơ quan đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh và Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh. Cấp huyện sẽ sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tương ứng với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh.
Việc sắp xếp, tinh gọn sẽ góp phần giúp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. |
Hợp nhất 10 sở, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ.
Sở Y tế tiếp nhận phần chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội và trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận phần chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc tiếp nhận Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Nghiên cứu hợp nhất Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh…
Sau khi thực hiện Phương án số 01-PA/TU, Khối các cơ quan đảng tỉnh Thái Nguyên sẽ có 5 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (giảm 1 cơ quan); cấp huyện có 4 cơ quan (giảm 9 cơ quan). Khối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có 14 cơ quan (giảm 6 cơ quan); tổng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm 36 phòng.
Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị rà soát chức năng nhiệm vụ, đánh giá, sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, phù hợp tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với cơ cấu lại, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế.
Tuyên truyền sâu rộng, tạo đồng thuận cao
Thực tế cho thấy, sắp xếp tổ chức bộ máy thường gắn liền với những thay đổi lớn, tác động trực tiếp đến tâm lý, công việc và quyền lợi của nhiều người. Do đó, việc thực hiện công tác tư tưởng là vô cùng cần thiết, bởi đây là yếu tố then chốt để xây dựng sự đồng thuận, tạo động lực và đảm bảo sự thành công của quá trình đổi mới tổ chức.
Công tác tư tưởng góp phần quan trọng trong quá trình triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy. |
Với chức năng tham mưu, định hướng và tổ chức triển khai các hoạt động tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo, định hướng các cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác tư tưởng; chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch của các cấp về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Nội dung tuyên truyền bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương và của tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó tập trung vào mục đích, ý nghĩa, tính cấp thiết, kết quả triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết và quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo lộ trình, kế hoạch đề ra.
Chú trọng tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhất là những nơi bị tác động, ảnh hưởng do thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trong thực hiện công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình dư luận xã hội về những vấn đề liên quan để kịp thời phản ánh, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo định hướng dư luận xã hội, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh.
Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa của tỉnh bám sát định hướng của Trung ương và của tỉnh, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; mở chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các tuyến tin, bài, tổ chức tọa đàm, diễn đàn trao đổi thảo luận, đóng góp vào quá trình tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các loại hình báo chí, nền tảng truyền thông của cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin tích cực, nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả; đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc, kích động, trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta…
Triển khai tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ là nhiệm vụ quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, mà còn là cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, phục vụ nhân dân. Nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đặt ra trong thời gian tới đối với các cấp, các ngành còn rất khó khăn đòi hỏi sự tập trung cao độ và ý chí tiến công cách mạng.
Động lực cho nỗ lực này là khi thực hiện thành công, chúng ta sẽ kiến tạo một bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả, xóa bỏ trì trệ, tăng sức cạnh tranh và giải phóng nguồn lực cho phát triển.
Và đặc biệt, trên cơ sở định hướng và chỉ đạo quan trọng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng, Thái Nguyên đã định hình được con đường và mục tiêu phát triển, với tư duy đột phá, quyết tâm hành động, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên thêm tự tin, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202412/tinh-gon-bo-may-su-dong-thuan-tu-y-dang-voi-long-dan-5240a7b/