Tôi xuống xe, nhìn cánh cổng gỗ khép hờ của nhà thầy Lễ. Hơn mười năm trước, trong ngôi nhà nhỏ này tôi đã được thầy dạy ghi ta. Thềm ngôi nhà mùa này hoa đỗ quyên đã rung rinh khoe sắc. Buổi học cuối cùng, biết thầy yêu hoa, tôi đã bứng từ vườn nhà một khóm cây đến trồng.
Ngày ấy tôi vừa thi đại học đang chờ kết quả, Thăng – bạn cùng lớp rủ tôi đi học ghi ta. Từ bé tôi và Thăng đã thích ghi ta. Những buổi nghỉ học, chúng tôi thường sang khu tập thể ngồi hàng giờ nghe các chú công nhân đàn hát. Một hôm chú ruột của Thăng, cây ghi ta của đội văn nghệ nhà máy gang thép hào hứng bảo: “Các cháu nếu thích học đàn, rủ thêm vài cô cậu nữa, chú dạy”. Ngay tuần sau đó, lớp học đàn của chúng tôi gồm bảy đứa được chú mở ngay bên gốc cây long não của khu tập thể. Chưa dạy xong phần nhạc lý, chú có giấy gọi nhập ngũ, lớp học phải dừng lại.
Những ngày sau đó, Mỹ đưa máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, chúng tôi theo gia đình đi sơ tán. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới biết tin chú của Thăng đã hy sinh trên đường tiến quân về giải phóng Sài Gòn.
Năm cuối cấp III, Thăng rủ tôi mua đàn ghi ta. Khổ nỗi nghĩ mãi không làm sao để có tiền, tôi bàn với Thăng ngoài giờ học đi làm thuê. Hơn một tháng, số tiền gom lại đủ mua một cây ghi ta, tôi bảo Thăng mua đàn trước. Thấy sắp tới kỳ thi tốt nghiệp, hai chúng tôi không dành thời gian ôn luyện vẫn mải miết đi làm, bố Thăng gặng hỏi biết chuyện, liền bắt con nghỉ để tập trung đèn sách. Ông bàn với bố tôi cùng góp tiền mua cho tôi cây đàn như của Thăng. Thi đại học xong, nghe nói có bác thương binh dạy dàn ghi ta, tôi và Thăng xin bố mẹ đi học…
Thầy Lễ ngồi trên xe lăn, quân phục chỉnh tề, ngực lấp lánh huân huy chương. Thầy già đi nhiều, mái tóc nhạt nhòa màu mây trắng. Tôi rụt rè cất tiếng.
– Em chào thầy ạ!
Thầy ngước lên, nheo mắt nhìn tôi giây lát:
– Cậu là… Sơn phải không?
– Vâng! Em là Sơn, học sinh lớp ghi ta. – Tôi ngỡ ngàng bởi ngần ấy năm thầy vẫn nhớ: – Em xin lỗi vì nghỉ học không xin phép thầy.
– Cậu Thăng đã cho tôi biết lý do. – Thầy nắm chặt tay tôi – chững chạc quá. Mấy năm nay vết thương tái phát tôi phải ngồi xe lăn.
– Tôi lúng túng: – Sau mấy năm quân ngũ, em về Hà Nội học đại học, rồi công ty lại biệt phái em công tác tại tỉnh bạn. Thầy thứ lỗi cho em buổi hội ngộ muộn mằn này.
– Những người lính sau cuộc chiến còn trở về gặp được nhau là quý.
– Năm tháng cầm súng, em vẫn chơi những bản nhạc thầy dạy.
– Cậu mang theo cây ghi ta vào bộ đội?
– Vâng, thưa thầy!
Bất chợt, chiếc xe con lùi vào sân. Thì ra hôm nay thầy đi dự kỷ niệm truyền thống của sư đoàn. Tôi thấy mình quá may mắn, nếu chỉ chậm ít phút thầy đã lên xe cùng đồng đội.
Ngày tôi và Thăng đến xin học, hai chúng tôi đã bập bõm nhạc lý và biết gảy mấy bản nhạc “Trở về Su ri en tô, Ca chiu sa…”. Nghe chúng tôi chơi thử, thầy yêu cầu chúng tôi tự coi mình chưa biết gì và chăm chỉ học kỹ thuật một cách bài bản. Không dạy “chay” về nhạc lý, xen giữa lý thuyết thầy ôm đàn chỉ bảo chúng tôi nhận biết từng âm, dây đàn, cách lên dây, thế bấm.
Giờ giải lao và cuối mỗi buổi học, thầy dành một khoảng thời gian nhất định cho chúng tôi tập chơi các bản nhạc: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Vì nhân dân quên mình, Thanh niên làm theo lời Bác…”. Thầy kể trên đường hành quân, đoàn văn công của thầy thường hát cho các chiến sĩ nghe những bài hát ấy.
Trò chuyện với đồng đội của thầy đến chơi, tôi được biết thầy nguyên là giáo viên trường nghệ thuật. Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, thầy tình nguyện ra nhập quân đội. Vốn sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, thầy được chọn vào đoàn văn công quân giải phóng tại Mặt trận B3.
Dưới bom đạn kẻ thù, các cán bộ chiến sĩ đoàn văn công vẫn đem lời ca tiếng hát biểu diễn phục vụ bộ đội. Nhiều cán bộ chiến sĩ – nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh. Trong một lần hành quân, thầy vấp phải mìn của Mỹ. Quân y cố hết sức nhưng chỉ giữ được một bàn chân cho thầy…
Khóa học chưa được một nửa, tôi có giấy gọi nhập ngũ và mang theo cây đàn ghi ta lên đường. Trình độ chơi đàn của tôi chưa thể góp mặt trong ban nhạc, nhưng cũng đủ để chơi vui. Không khí các buổi sinh hoạt văn nghệ thêm sôi động khi tôi đệm cho đồng đội hát vang những bài ca chiến sĩ. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cây đàn bị đạn pháo địch găm vỡ. Ban chính trị đã xin cây đàn ấy trưng bày trong nhà truyền thống của sư đoàn…
* * *
Gặp Thăng tại nhà hát khi cậu ta đưa đoàn nghệ thuật lên Thái Nguyên tham dự liên hoan, tôi hỏi ngay: – Ông còn nhớ thầy giáo dạy ghi ta?
– Thầy Lễ, quên làm sao được! Tôi học chính ngôi trường thầy ngày xưa từng dạy. Lần nào về Thái Nguyên, tôi cũng đến nhà thầy.
– Thời mặc áo lính tôi mang theo tiếng đàn của thầy, hôm vừa rồi mới có dịp trở lại.
Thăng ngoắc tay tôi: – Tối nay đoàn mới có lịch diễn, ông đến nhà thầy với tôi. Lúc kết thúc khóa học, thầy đưa lại cả lớp một nửa số tiền đã nộp. Thầy bảo học đàn cần kiên nhẫn, thầy thu để học viên có trách nhiệm với tiếng đàn. Lẽ ra lúc đi bộ đội, ông nên đến chào thầy một câu.
Bất quá, tôi đành nói thật: – Thầy là thương binh nặng, nhà lại nghèo. Tôi ngại… lỡ thầy trả lại tiền đóng học. Vẫn cánh cổng khép hờ. Trong sân thầy ngồi trên xe lăn ôm đàn. Giai điệu bản nhạc từ cây ghi ta trên tay thầy ngân lên hùng tráng. Dường như trong lòng người cựu chiến binh kỷ niệm những năm tháng ra trận bên đồng đội đang ùa về. Thăng níu tay tôi dừng lại trước ngõ. Nắng cuối ngày như tan trong sắc hoa đỗ quyên đỏ thắm và tiếng đàn.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202411/tieng-dan-ghi-ta-cua-thay-19505f8/