Là huyện có nhiều lợi thế về nông nghiệp nên khi bắt đầu thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), huyện Phú Bình đã xác định được thế mạnh của địa phương để tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Với những giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế, huyện không chỉ xây dựng được nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt tiêu chuẩn OCOP, mà còn đưa các sản phẩm chất lượng cao ngày càng vươn xa.
Một số xã của huyện Phú Bình có ưu thế phát triển kinh tế vườn, đồi, như: Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa… Bởi vậy, huyện xác định phát triển chăn nuôi gà đồi là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương và cần phải xây dựng được các sản phẩm OCOP từ gà đồi, gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Phú Bình chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà thả đồi. Từ đó chủ động tiếp cận các kiến thức khoa học, nâng cao kinh nghiệm chăm sóc đàn vật nuôi.
Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để thuận lợi trong việc liên kết với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, huyện dành trên 2,4 tỷ đồng để thực hiện Dự án phát triển thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” tại các xã: Tân Khánh, Tân Thành, Tân Đức, Bảo Lý… Tham gia Dự án, các chủ trang trại được chuyển giao, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học – công nghệ vào các khâu như: Chọn giống, thức ăn, thuốc thú y…
Gà đồi Phú Bình. |
Theo đánh giá của huyện Phú Bình, đa số các hộ dân có điều kiện chăn nuôi gà thả đồi đều mạnh dạn, chủ động trong việc nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi và cho ra nhiều loại sản phẩm được chế biến từ gà đồi.
Hầu hết sản phẩm không chỉ phong phú về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng mà còn phù hợp với khẩu vị của nhiều người tiêu dùng. Trong đó có thể kể đến các sản phẩm như: Gà ủ muối; gà khô lá chanh; giò gà…
Đến nay, thương hiệu gà đồi Phú Bình đã tạo được chỗ đứng vững vàng trên thị trường và có nhiều sản phẩm chế biến từ gà đạt tiêu chuẩn OCOP.
Ở huyện Phú Bình, các sản phẩm OCOP được xây dựng khá phong phú và đều thể hiện được những nét đặc trưng của từng địa phương. Ví dụ như xã Úc Kỳ nổi tiếng với vùng trồng lúa nếp Thầu dầu thì có các sản phẩm OCOP như tương nếp Hồng Kỳ, tương Úc Kỳ, gạo nếp Thầu dầu. Xã Dương Thành nổi tiếng với làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa thì có sản phẩm như cao ngựa bạch Trường Nguyên, cao ngựa bạch Hoa Hoan được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Việc lựa chọn được mục tiêu để xây dựng các sản phẩm OCOP đã tạo động lực cho người dân đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, chú trọng hơn đến việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Xác định được mục tiêu trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, huyện Phú Bình đã có kế hoạch thực hiện một cách cụ thể.
UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP của địa phương trên loa phát thanh, Cổng thông tin điện tử. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các phóng sự, tin, bài về các sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, sản xuất là một xu hướng tất yếu. Để nâng cao giá trị, vị thế cạnh tranh của các sản phẩm địa phương nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng trên thị trường, các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình đã triển khai hỗ trợ các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ số.
Hàng năm, phòng chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật, trong đó có lồng ghép nội dung về CĐS. Cùng với đó, huyện đã phối hợp hướng dẫn các cơ sở sản xuất, HTX có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ thực hiện số hóa quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng bán các sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực trên sàn thương mại điện tử…
Hiện nay, 100% sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn huyện đã được số hóa quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; 25 sản phẩm OCOP được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử; hầu hết HTX đã quảng bá, bán hàng trên nền tảng số, mạng xã hội và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP cũng được huyện chú trọng thực hiện. Từ năm 2023 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức 2 chương trình xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói chung, sản phẩm thế mạnh của huyện nói riêng. Điển hình như vào tháng 11- 2024, tại huyện Phú Bình diễn ra Hội chợ Công thương khu vực Đông Bắc – Thái Nguyên 2024 với trên 200 gian hàng, trong đó có 15 gian hàng bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, OCOP.
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Phú Bình phát huy được tiềm năng, thế mạnh và có cơ hội “bứt phá”, vươn ra những thị trường rộng lớn hơn.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202501/thuong-hieu-san-pham-ocop-phu-binh-33c20ce/