Sau 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, tỉnh Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực. Để nguồn vốn hỗ trợ khuyến công phát huy hiệu quả hơn nữa, HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết về mức chi cho hoạt động khuyến công địa phương. Qua đó, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Hợp tác xã Tâm Trà Thái được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ đầu tư máy hút chân không, máy đóng gói sản phẩm tự động. Cùng với sản phẩm chè, Hợp tác xã sản xuất thêm mỳ gạo Bao thai Định Hóa, góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương. |
Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 52/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện, sử dụng và quản lý kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Sau 6 năm thực hiện, đến năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 52/2014/QĐ-UBND. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2021-2024, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 85 đề án khuyến công, hỗ trợ cho trên 150 cơ sở CNNT. Đối tượng được hỗ trợ là hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ. Việc hỗ trợ tập trung vào nội dung nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT thông qua tổ chức 29 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về công tác khuyến công.
Qua đó, hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh, HTX được tư vấn, trợ giúp lập dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới, lựa chọn dây chuyền công nghệ sản xuất phù hợp. Ngoài ra, các đơn vị còn được hướng dẫn tiếp cận những chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư; phổ biến chính sách về phát triển cơ sở CNNT…
Đặc biệt, từ nguồn quỹ khuyến công đã hỗ trợ thực hiện 70 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, tiêu dùng, chế biến nông, lâm sản (tổng kinh phí hỗ trợ trên 11 tỷ đồng).
Cũng từ nguồn quỹ này, Sở Công Thương đã tổ chức, tham gia 11 hội chợ, hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp, HTX xây dựng gian hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương tổ chức được 2 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 60 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Nguồn quỹ hỗ trợ hoạt động khuyến công đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm đáng kể lượng phát thải tại các cơ sở CNNT, cải thiện chất lượng môi trường ở các địa phương trong tỉnh.
Từ khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản lượng trà của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) bán ra thị trường tăng 30%. Trong ảnh: Hợp tác xã sử dụng máy móc hiện đại để đóng gói sản phẩm trà. |
Từ ngày 18/10/2024, khi Thông tư số 64/2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực, để đảm bảo phù hợp đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu thực tiễn của công tác khuyến công, Sở Công Thương đã có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về mức chi cho các hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh theo hình thức rút gọn.
Với sự thống nhất cao, tại Kỳ họp thứ 23 mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết tạo điều kiện cho công tác khuyến công được triển khai kịp thời trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, sẽ có nhiều mức chi cho hoạt động khuyến công. Đơn cử như chi hỗ trợ cho việc thành lập doanh nghiệp sản xuất CNNT tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn… mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp; chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới bao gồm mua máy móc thiết bị… mức chi tối đa không quá 30% chi phí và không quá 700 triệu đồng/mô hình; chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp… mức chi tối đa không quá 30% chi phí và không quá 500 triệu đồng/mô hình; chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm CNNT, mức hỗ trợ tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu… Nguồn kinh phí ngân sách tỉnh bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công, Sở Công Thương chủ trì thực hiện.
Năm 2023, HTX Tâm Trà Thái được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 50% giá trị đầu tư thiết bị, máy hút chân không và máy đóng gói sản phẩm tự động phục vụ sản xuất với tổng trị giá trên 600 triệu đồng. Khi biết HĐND tỉnh mới thông qua mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến công với nhiều loại hình hỗ trợ, chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, phấn khởi nói: Thiết bị mà HTX được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ không chỉ tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân công mà sản phẩm chè của HTX bảo quản được lâu hơn, đưa thương hiệu Tâm Trà Thái ngày một phát triển.
Nghị quyết ban hành về mức chi cho hoạt động khuyến công địa phương là căn cứ pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động này từ Trung ương tới địa phương. Đồng thời phát huy hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công. Từ đó giúp các cơ sở CNNT lựa chọn hướng đầu tư đúng và hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý cũng như sản xuất, kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết quả trong gần 20 năm thực hiện chính sách khuyến công, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai và hoàn thành trên 410 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện 958 tỷ đồng (trong đó có 329 đề án khuyến công địa phương, với kinh phí hỗ trợ 38 tỷ đồng).
|
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/them-nguon-luc-cho-hoat-dong-khuyen-cong-bf8221e/