Phát huy vẻ đẹp về cảnh quan, văn hóa bản địa, kinh tế-xã hội sôi động, giao thông kết nối thuận lợi và nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đang có nhiều giải pháp đầu tư, chỉnh trang nâng cấp điểm đến, tuyên truyền quảng bá nhằm thu hút du khách.
Cảnh quan Khu du lịch sinh thái suối Mỏ Gà-hang Phượng Hoàng được chỉnh trang trước mùa du lịch năm nay.
Võ Nhai là huyện vùng cao, cách không xa trung tâm thành phố Thái Nguyên. Du khách chỉ cần đi ô-tô khoảng gần một tiếng là có thể đến các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, danh thắng nổi tiếng địa phương này. Các nhà nghiên cứu khảo cổ và du khách đã từng biết đến Mái Đá Ngườm, di chỉ khảo cổ nổi tiếng nhất về sự hiện diện của loài người có niên đại cổ nhất ở Việt Nam, cách nay từ 23 nghìn đến 41 nghìn năm.
Nằm trong rừng nguyên sinh trên núi đá ở xã Thần Sa, Mái Đá Ngườm có dạng hàm ếch rộng lớn trên sườn núi đá, mới đây được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức khai quật lần thứ năm.
Nhiều nhà khoa học khảo cổ hàng đầu cho rằng, sự hiện diện của loài người có thể còn cổ hơn so với niên đại từng công bố.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Trần Thị Nhiện cho biết, đây là địa chỉ du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn đối với du khách, nhất là học sinh, sinh viên.
Cách Mái Đá Ngườm không xa là thác 7 tầng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa xanh mát, nước suối chảy qua các tầng đá lớn, không khí trong lành, khung cảnh thanh bình, đồng bào dân tộc thiểu số mộc mạc, thân thiện, các món ăn bản địa dân dã làm hài lòng du khách.
Cũng tại huyện Võ Nhai, ngay bên cạnh Quốc lộ 1B thuộc địa bàn xã Phú Thượng có Khu du lịch sinh thái suối Mỏ Gà – hang Phượng Hoàng là di tích lịch sử-danh lam thắng cảnh quốc gia nổi tiếng.
Nằm dưới dãy núi Phượng Hoàng hùng vĩ với rừng nguyên sinh, hang Phượng Hoàng rộng lớn trong lòng núi đá, nguồn nước trong xanh, khí hậu trong lành, trong những ngày thời tiết nóng bức thì nhiệt độ khu vực hang Phượng Hoàng thường thấp hơn gần 10 độ C, mang lại cho du khách sự mát mẻ, yên bình.
Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm ở huyện Võ Nhai được xác định có niên đại cổ nhất ở Việt Nam. |
Anh Nông Văn Hồng, phụ trách Khu du lịch suối Mỏ Gà – hang Phượng Hoàng cho biết: Chuẩn bị mùa du lịch 2024, chúng tôi chuẩn bị nguồn thực phẩm sạch, tập huấn nhân viên phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, chỉnh trang cảnh quan, môi trường, đưa một số dịch vụ mới như tắm thảo dược, ngâm chân thảo dược để phục vụ du khách. Cách hang Phượng Hoàng không xa là điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà với nhiều loại cây quả bản địa để du khách trải nghiệm thu hái, chủ các nếp nhà sàn phục vụ các món ăn bản địa độc đáo.
Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như Làng nhà sàn Thái Hải, khu du lịch hồ Núi Cốc, khu sinh thái Dũng Tân, điểm du lịch trải nghiệm nghề chè Hảo Đạt… cũng đã chuẩn bị mọi mặt để phục vụ du khách.
Tạo sản phẩm du lịch mới, tỉnh Thái Nguyên và nhà đầu tư đang khẩn trương xây dựng sân gôn Tân Thái bên hồ Núi Cốc. Với tư vấn thiết kế nước ngoài, sân gôn Tân Thái rộng khoảng 60ha được xây dựng với tiêu chuẩn quốc tế dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian tới sẽ thu hút nhiều khách quốc tế và trong nước đến vui chơi, giải trí.
Thời gian gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, liên kết với nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn để thu hút du khách. Do đó, quý I năm 2024, tỉnh đón gần 1,2 triệu lượt du khách, tăng gần 350 nghìn lượt so với cùng kỳ năm 2023.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: Trước kỳ nghỉ 30/4-1/5, Sở sẽ mời đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí lớn tham quan, trải nghiệm nhiều điểm, khu du lịch trên địa bàn; đồng thời tổ chức khai mạc mùa du lịch năm 2024 để tăng cường tuyên truyền, quảng bá. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các nhà hàng, khách sạn nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách du lịch.