“Thái Nguyên có gì hay?” – Đó là câu hỏi của chúng tôi khi tham gia đoàn photo tour Heritage – Thái Nguyên 2024 bởi trước đó, chúng tôi chỉ biết về Thái Nguyên với danh trà Tân Cương, với An toàn khu (ATK) trong kháng chiến hay ngành công nghiệp luyện gang – thép. Vậy mà sau 3 ngày trải nghiệm, vùng đất trung du này được chúng tôi ví như cô gái đẹp ngủ quên trong rừng đang từ từ tỉnh giấc.
Sau cơn mưa mùa hạ, cây cối xanh mướt dọc lối đi uốn lượn trong bản làng Thái Hải. Người Tày trong làng chào đón chúng tôi bằng những ánh mắt tươi vui, nụ cười hiền hậu như gặp lại những người thân quen đi xa trở về.
Nơi dừng chân đầu tiên của đoàn photo tour cũng là nơi ghi lại dấu ấn văn hóa đậm sâu với những nếp nhà sàn và phong tục sinh hoạt cộng đồng độc đáo. Mô hình làng bản với gần 200 nhân khẩu sinh hoạt như một gia đình lớn khi ăn uống chung, sản xuất chung, chi tiêu chung…
Trẻ em được chăm lo học hành, người già được chăm sóc thuốc men, phụ nữ và đàn ông trong tuổi lao động được bố trí các công việc sản xuất hay phục vụ du khách tới thăm bản làng. Các nhiếp ảnh gia đã có ngày trải nghiệm thực tế đáng giá để sáng tác những khuôn hình sống động về nhịp sống nơi đây: từ hoạt động gánh nước, nấu cơm, đan lát nông cụ đến các phong tục mời nước khách đến chơi nhà, trình diễn hát then, trò chơi ném còn…
Vẫn là những cơn mưa được dự báo làm chúng tôi lo lắng trên hành trình sáng tác ở những điểm trải nghiệm ngoài trời. May sao, ngày thứ 2 bắt đầu với những khoảnh khắc trong trẻo của ngày mới trên hồ Núi Cốc. Một vùng sông nước mênh mang, núi non thấp thoáng phía xa đã mang lại biết bao shot ảnh trữ tình về huyền thoại hồ nước xanh bao la này. Câu hát còn ngân nga khi được ngắm lại thành quả sáng tác của các nhiếp ảnh gia buổi tinh mơ hôm ấy:
Bồng bềnh (ơ) bồng bềnh
Chòng chành (ơ) chòng chành
Thuyền gặp khách say gió ngàn
Thuyền trôi, thuyền trôi
Mái chèo khua gương nước xanh thăm thẳm.
(Trích Huyền thoại hồi Núi Cốc của nhạc sĩ Phó Đức Phương)
Vẫn là những khung cảnh ngoài trời làm rung động tâm hồn các nghệ sĩ nhiếp ảnh khi được ghé thăm những đồi chè thoai thoải xanh mướt nối tiếp nhau hay con suối Cửa Tử nước ào ạt đổ về sau nhiều trận mưa lớn. Cảm hứng sáng tác của đoàn photo tour được nuôi dưỡng tràn đầy khi xen kẽ các buổi trải nghiệm là những câu chuyện về con người nơi đây.
Đó là câu chuyện về nữ “thuyền trưởng” của hợp tác xã chè Hảo Đạt với tâm huyết để phát triển vùng nguyên liệu chè sạch đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất ra những sản phẩm đạt nhận chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Đó là câu chuyện xoay quanh những công đoạn chế biến thủ công cầu kì để ra được các sản phẩm trà búp, trà nõn tôm, trà đinh danh bất hư truyền trên đất trà Tân Cương.
Đó là bí quyết chế biến được chia sẻ trong bữa cơm thân mật với những món ngon có nguyên liệu từ lá chè, được gọi bằng các tên mĩ miều, gây tò mò như trà xanh hoàng bào, ngọc ẩn trong mây, cá kho búp trà… Đó là những nỗ lực xây dựng homestay, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước của những bạn trẻ làm du lịch ở huyện Đại Từ, nơi có con suối Cửa Tử hợp với cung đường trekking cho những ai yêu thiên nhiên hoang dã.
Còn nhiều lắm những câu chuyện, những lời hẹn để chúng tôi quay lại Thái Nguyên ngắm cô gái duyên dáng mang duyên ngầm này.
Hẹn nhé Thái Nguyên những ngày nắng đẹp!
Tạp chí Heritage